Bác sĩ chuyên khoa nói về nguyên nhân chết của nạn nhân bị ném xác phi tang

ANTĐ - Vụ việc chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong khi phẫu thuật hút mỡ nâng ngực tại Thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng, sau đó bị ném xác xuống sông Hồng phi tang gây bàng hoàng trong dư luận. Nguyên nhân chính gây nên cái chết của chị Huyền chưa được công bố, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, chị Huyền rất có thể bị tử vong do sốc thuốc gây mê.

Những biến chứng khi gây mê

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng cung cấp, khoảng 12h ngày 19-10, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc trung tâm cùng 3 nhân viên Lê Thị Ngọc Vân, Bùi Thị Hoa và y tá Nguyễn Ngọc Thư tiến hành quá trình phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ nâng ngực cho chị Huyền. Đến 16h cùng ngày thì phẫu thuật xong. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Thấy vậy, bác sĩ Tường đã tiêm cho chị Huyền một liều thuốc Diafegam 10mg. Tiêm xong chị Huyền thôi không còn phản ứng. Tuy nhiên đến 17h45, chị Huyền lại có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, bác sĩ Tường hướng dẫn nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, thở ô xy cho chị Huyền qua điện thoại. Song sau đó chị Huyền đã rơi vào tình trạng chết lâm sàng, rồi tử vong.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp một bác sĩ chuyên khoa gây mê. Vị bác sĩ này cho biết: Biến chứng dễ mắc phải nhất khi gây mê là ngừng tim, ngừng hô hấp sau khi gây mê. Nguyên nhân có thể do dùng thuốc gây mê quá liều dẫn đến ngừng tim, ngừng thở. Hoặc trong quá trình mổ, bệnh nhân thiếu ô xy cũng dẫn đến ngừng thở, suy hô hấp, ngừng tim. 

Theo một nghiên cứu tại Pháp vào năm 2006, bệnh nhân tử vong trong gây mê thì biến chứng đường hô hấp chiếm 38% và tim mạch chiếm 61%, bao gồm sốc phản vệ, thiếu máu cơ tim, giảm thể tích tuần hoàn, giảm lượng máu, tụt huyết áp. Một trong những nguyên nhân gây tử vong là tác dụng phụ của thuốc gây mê. Tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt trên những người mắc bệnh nặng, có nguy cơ cao như bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn, bệnh phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Biến chứng thường xảy ra ở giai đoạn bắt đầu gây mê, vài giờ đầu sau gây mê và lúc bệnh nhân chờ hồi tỉnh. Có trường hợp, sau khi mổ bệnh nhân đã có vẻ tỉnh, nhưng cơ thể chưa thải hết thuốc mê ra ngoài, khiến bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng hôn mê trở lại và dẫn đến tử vong.

Sốc phản vệ do gây mê, tính mạng bệnh nhân được tính bằng phút

Sốc phản vệ do thuốc gây mê nếu không phải ở những bệnh viện tuyến trên, có những bác sĩ giỏi về chuyên môn hồi sức, có máy móc hiện đại can thiệp thì rất khó cứu chữa vì lúc này tính mạng con người chỉ được tính bằng phút. 

Vì vậy việc sử dụng thuốc gây mê cho từng đối tượng bệnh nhân cần hết sức thận trọng, bởi sốc phản vệ không chỉ phụ thuộc vào liều lượng mà còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Nếu cơ địa của bệnh nhân có phản ứng với thuốc thì chỉ cần một liều lượng rất nhỏ cũng có thể bị sốc phản vệ. Bên cạnh đó, có loại thuốc gây mê gây sốc cho người này nhưng lại an toàn với người khác. Vì vậy các bác sĩ gây mê khuyến cáo, việc thăm khám và thử phản ứng đối với bệnh nhân trước khi gây mê để phẫu thuật là điều cực kỳ quan trọng. 

Tai biến trong quá trình gây mê còn do bác sĩ không đảm bảo chuyên môn. Nếu bác sĩ cho thuốc mê không đủ liều lượng, khiến bệnh nhân thức giấc giữa chừng cũng khiến người bệnh choáng váng, sợ hãi, đau đớn dẫn đến huyết áp tăng vọt, thiếu máu cơ tim, vỡ mạch máu và tử vong. Ngược lại nếu bác sĩ cho thuốc quá liều sẽ khiến tình trạng hôn mê sau mổ không hồi tỉnh. Cơ chế của thuốc gây mê sâu là nhằm ức chế tim mạch, tuần hoàn cơ thể, mạch máu, do đó, nếu ức chế quá lâu thì tim mạch sẽ ngừng đập, gây tử vong. Tại một số bệnh viện đã trang bị máy đo độ mê nông hay sâu nhưng vì đắt tiền nên không phải bệnh viện nào cũng có. Tại các phòng khám tư, thẩm mỹ viện thì chắc chắn là không thể có loại máy này.

Gây tê cũng có thể sốc phản vệ dẫn đến tử vong

Không chỉ gây mê mà gây tê cũng có thể gây tử vong. Lâu nay người dân thường nhầm tưởng gây tê là một thủ thuật đơn giản, thường dùng tại các phòng khám tư, hoặc các cơ sở thẩm mỹ viện nhỏ. Tuy nhiên trong quá trình gây tê, nếu không thử thuốc trước sẽ dẫn đến tình trạng sốc phản vệ. Mặc dù sốc phản vệ ít khi xảy ra nhưng khi bệnh nhân gặp phải mà không được hồi sức cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Bởi sốc phản vệ do cơ địa dị ứng dẫn đến trụy tim mạch nên rất nguy hiểm. 

Không chỉ chị Huyền mà lâu nay, đã có khá nhiều trường hợp sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại các thẩm mỹ viện đã phải trả giá bằng chính tính mạng của mình. Trước đó vào 11h ngày 4-1-2013, anh Trần Tuấn Anh (SN 1976, trú tại Hải Phòng) đưa chị gái Trần Thị Thu Hương (SN 1971) đến thẩm mỹ viện Linh Nhung tại 255 Xã Đàn (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) để xóa sẹo môi trên. Đến 17h cùng ngày, chị Hương được bác sĩ là chủ thẩm mỹ viện cùng 2 nhân viên đưa lên tầng 4 để thử phản ứng gây tê, sau đó chị Hương có biểu hiện sốc phản vệ. Ngay sau đó chị Hương đã được thẩm mỹ viện đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên đến 2 giờ ngày 5-1 chị Hương đã tử vong. Hay trường hợp chị Bùi Bích Lộc đến cơ sở Thẩm mỹ viện Hà Nội tại địa chỉ 257 Giải Phóng để làm phẫu thuật nâng ngực ngày 29-4-2011. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật xong, đến sáng ngày 30-4 chị Lộc đã tử vong... Những vụ việc này thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh chị em phụ nữ không nên đánh cược tính mạng của mình tại những cơ sở thẩm mỹ tư nhân.

Hút, bơm mỡ dễ biến chứng, dẫn đến tử vong 


Cấy mỡ ngực tự thân từ trước tới nay vốn được quảng cáo là phương pháp nâng ngực an toàn nhất, không gây dị ứng bởi các bác sĩ lấy mỡ từ chính cơ thể bệnh nhân ở các vị trí như đùi, bụng… rồi cấy vào ngực. Tuy nhiên theo một chuyên gia phẫu thuật tạo hình, tất cả các thủ thuật động tới dao kéo thẩm mỹ đều ẩn chứa những rủi ro nhất định, những biến chứng bất ngờ mà cả những chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu cũng khó lường hết. Với hút mỡ nâng ngực là biến chứng tắc động mạch phổi. Bởi khi mỡ hút ra hoặc bơm vào không đúng quy trình, sẽ dễ làm tắc mạch máu, đẩy lên phổi và gây tắc phổi thì khó có thể cứu được. Dù biến chứng này là rất hiếm nhưng vẫn xảy ra và có diễn biến rất nhanh, dẫn tới đột tử. Ngay tại các bệnh viện lớn, kỹ thuật hiện đại, triệu chứng này cũng rất khó cứu bởi tắc động mạch phổi sẽ dẫn đến phản xạ là tim ngừng đập. Những rủi ro điển hình khi hút mỡ nâng ngực là: bác sĩ lấy mỡ không đúng kỹ thuật gây tắc mạch máu hay tổn thương phân tử mỡ, nếu bác sĩ lấy lượng mỡ quá nhiều và bơm vào quá dư lượng sẽ làm tắc mạch máu, gây biến chứng khó lường, sốc phản vệ do thuốc gây mê, hoặc bệnh nhân có hiện tượng máu khó đông mà bác sĩ không khám sức khỏe tổng thể trước khi phẫu thuật gây mất máu quá nhiều, dẫn đến tử vong. Bác sĩ Võ Xuân Sơn nói trên VnExpess cho rằng: Tôi chưa bao giờ tham gia vào phẫu thuật thẩm mĩ nhưng tôi biết rất rõ rằng việc hút và bơm mỡ rất dễ có biến chứng nhồi máu phổi, tắc mạch vành hoặc mạch não hoặc các mạch máu khác, hậu quả thật là khủng khiếp.

Thông tư số: 13/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 20-8-2012 về công tác gây mê - hồi sức ghi rõ: Gây mê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

Bác sĩ gây mê - hồi sức là bác sĩ đã được đào tạo về chuyên khoa gây mê - hồi sức từ 18 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Khám trước gây mê: tối thiểu gồm 1 bác sĩ gây mê - hồi sức, 1 điều dưỡng viên gây mê - hồi sức và 1 hộ lý.

 Phẫu thuật: nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật tối thiểu gồm 1 bác sĩ gây mê - hồi sức, 1 điều dưỡng viên gây mê - hồi sức, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài và 1 hộ lý.

Hồi tỉnh: tối thiểu gồm 1 bác sĩ gây mê - hồi sức, điều dưỡng viên (số lượng điều dưỡng viên tùy thuộc vào số giường hồi tỉnh với tỷ lệ 2 điều dưỡng viên phụ trách 5 giường bệnh) và 1 hộ lý.

Hồi sức ngoại khoa: tối thiểu gồm 1 bác sĩ gây mê - hồi sức, 1,5 điều dưỡng viên phụ trách 1 giường bệnh và 1 hộ lý.