[Audio ngày 14-5-2020] Trung Quốc điều tra nghi vấn sữa giả làm trẻ sơ sinh to đầu

ANTD.VN - Bản tin hôm nay gồm các nội dung chính sau: Nam thanh niên trốn khỏi khu cách ly tập trung ra trình diện; TP.HCM làm việc với công ty lưu hành tài liệu có “đường lưỡi bò” phi pháp; Triệt xóa sới bạc “khủng” có xe đưa rước; Mỹ bắt giữ nhà nghiên cứu do cáo buộc liên quan đến Trung Quốc; Nhà thờ Australia bị phạt vì bán chất tẩy “thần kỳ” chữa Covid-19; Trung Quốc điều tra nghi vấn sữa giả làm trẻ sơ sinh to đầu.

Nam thanh niên trốn khỏi khu cách ly tập trung ra trình diện

Ngày 14-5, anh Trần Văn Nam (sinh năm 1992, trú tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), người đã trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã trở lại nơi cách ly và trình diện cơ quan chức năng.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện An Phú đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với anh Nam.

Chiều 10-5, anh Trần Văn Nam đi từ Campuchia bằng xuồng gỗ đến xã Khánh An, huyện An Phú thì bị giữ lại chuyển về khu cách ly tập trung, nhưng đến rạng sáng hôm sau, anh này đã trốn khỏi khu cách ly.

TP.HCM làm việc với công ty lưu hành tài liệu có “đường lưỡi bò” phi pháp

Ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM – vừa cho biết, Thanh tra Sở đã tiếp nhận thông tin Công ty TNHH Bayer Việt Nam lưu hành tài liệu có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc và gửi giấy mời đại diện công ty lên làm việc trong tuần này để đưa ra hướng xử lý.

Cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam (quốc tịch Malaysia) gửi cho nhân viên công ty email tài liệu chia sẻ về bài học chống dịch thành công của Trung Quốc. Khi phát hiện tài liệu có bản đồ có hình “đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc, nhiều nhân viên người Việt Nam đã phản đối, không chấp nhận việc chia sẻ tài liệu này.

Triệt xóa sới bạc “khủng” có xe đưa rước

Ngày 14-5, cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa triệt xóa đường dây đánh bạc chuyên nghiệp trên địa bàn, bắt tạm giữ 28 đối tượng để được làm rõ hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và gá bạc; thu giữ gần 156 triệu đồng cùng các tang vật liên quan.

Được biết, đây là đường dây tập trung rất nhiều đối tượng đánh bạc chuyên nghiệp cũng như các đối tượng cộm cán, có tiền án, tiền sự trên địa bàn. Các đối tượng thường xuyên di chuyển thay đổi địa bàn, địa điểm hoạt động. Địa điểm chọn để đánh bạc là các nhà cao tầng kiên cố, kín cổng, cao tường. Các con bạc còn được xe ô tô đưa đón nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng công an.

Tống tiền cô giáo mầm non bằng “clip nóng”

Công an huyện Sơn Động (Bắc Giang) vừa khởi tố bị can, tạm giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với Lăng Văn Sẩn (SN 1971, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).

Năm 2015, Sẩn quen nữ giáo viên mầm non tên H trú tại huyện Sơn Động và có quan hệ tình cảm. Sẩn sau đó bị người tình đòi chia tay vì phát hiện ông ta có gia đình ở quê. Níu kéo tình cảm bất thành, Sẩn gửi “clip nóng” của hai người để đe dọa, yêu cầu chị H đưa 80 triệu đồng, nếu không sẽ phát tán trên mạng xã hội. Chiều tối 7-5, Sẩn hẹn chị H tại một nhà nghỉ ở xã Cẩm Đàn (huyện Sơn Động) và bị công an bắt quả tang khi đang nhận tiền.

Mỹ bắt giữ nhà nghiên cứu do cáo buộc liên quan đến Trung Quốc

Cục Điều tra liên bang Mỹ vừa bắt giữ một nhà nghiên cứu của NASA được cho là không chịu tiết lộ mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Giáo sư Simon Saw-Teong Ang (63 tuổi) đã bị bắt giữ vào tuần trước với cáo buộc lừa đảo điện tín.

Ang bị cáo buộc có mối quan hệ gần gũi với chính phủ Trung Quốc và các công ty của Trung Quốc đồng thời không chịu tiết lộ các mối quan hệ đó khi được yêu cầu phải làm vậy để được nhận tiền từ NASA. Nếu bị kết tội, ông Ang có thể phải ngồi tù tới 20 năm.

Nhà thờ Australia bị phạt vì bán chất tẩy “thần kỳ” chữa Covid-19

Cơ quan Kiểm soát các Sản phẩm Y dược của Australia cho biết, nhà thờ MMS ở nước này đã bị phạt tổng cộng 98.000 USD vì quảng cáo trái phép cái mà họ gọi là liệu pháp “thần kỳ” chữa trị virus corona, trong đó thuốc chứa hàm lượng cao loại hóa chất dùng trong nhuộm vải và thuốc tẩy.

Loại thuốc này vốn không có bằng chứng lâm sàng và được khoa học chấp nhận về chữa trị Covid-19, chưa kể các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. 4 người Australia từng nhập viện sau khi uống loại thuốc mà nhà thờ trên đã quảng cáo.

Trung Quốc điều tra nghi vấn sữa giả làm trẻ sơ sinh to đầu

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông ngày 14-5 trích dẫn nguồn tin cho biết, giới chức tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đang điều tra về sản phẩm sữa công thức Bei An Min có nhiều nghi vấn. Ít nhất 5 trẻ nhỏ bị to đầu, giảm cân đột ngột và có hiểu hiện bất thường sau khi sử dụng loại sữa bột nghi là giả này.

Các trường hợp trên xảy ra 12 năm sau vụ bê bối sữa nhiễm độc gây chấn động Trung Quốc. 6 em bé đã chết và khoảng 300.000 trẻ bị ốm do uống sữa pha với melamine, một hóa chất được sử dụng để sản xuất nhựa.