ASOSAI 14 sẽ tập trung vào vấn đề kiểm toán môi trường

ANTD.VN - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam chọn chủ đề của đại hội ASOSAI 14 là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” do quá trình phát triển bền vững đang bị thách thức bởi yếu tố môi trường.

Đây là thông tin vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết tại buổi họp báo về Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) diễn ra sáng nay 17/9.

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quá trình phát triển bền vững đang bị thách thức vì yếu tố môi trường. “Đây là lực cản có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, sản xuất, kinh doanh. Quan điểm của Việt Nam là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Hồ Đức Phớc, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị đẩy công nghệ lạc hậu và phế thải. “Nếu ta không ngăn chặn thì sẽ bị biến thành bãi rác công nghệ, ảnh hưởng tới tới cuộc sống, sự phát triển bền vững của chúng ta” – Tổng Kiểm toán Hồ Đức  Phớc nói.

Vì vậy, người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc Viêt Nam lựa chọn chủ đề năm nay là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã được 46 cơ quan kiểm toán tối cao các nước ủng hộ.

Chủ đề ASOSAI năm nay là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, công tác kiểm toán môi trường đã được đẩy mạnh trong 2 năm qua với nhiều cuộc kiểm toán về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường ở Hâu Giang; Kiểm toán giải pháp sử dụng túi nilon thông thường tại TP.HCM theo đề án của Chính phủ.

Hay các cuộc kiểm toán quản lý môi trường tại các khu công nghiệp Bắc Ninh; dự án xây dựng cở sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng cường tòa diện khu vực tiểu vùng sông Mekong giai đoạn 2014-2017; Kiểm toán chương trình nước sạch và môi trường nông thôn 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng; Kiểm toán chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đối khí hậu…

Tuy nhiên, ông Phớc thừa nhận, kiểm toán môi trường là loại hình mới với Việt Nam và hiện chưa có quy trình. Theo ông, cách làm là xác định tiêu chí, mục tiêu từng cuộc rồi có đề cương chứ chưa có quy định chung về nguyên tắc. Đây là vấn đề đang được phía kiểm toán xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này vừa báo cáo lần 1 với Ủy ban thường vụ Quốc hội về kế hoạch năm 2019. Một trong những vấn đề được ngành kiểm toán nhắm tới đưa đưa vào chủ đề kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước vào Việt Nam. “Qua quá trình thực hiện, phía kiểm toán sẽ kiến nghị để các cơ quan ngăn chặn nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường” – ông Hồ Đức Phớc nói.

Ngoài ra, một số cuộc kiểm toán môi trường được ông Phớc nói tới là: Kiểm toán về quản lý sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2018; Kiểm toán chuyên đề về đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao các năm 2016-2020.

Theo kế hoạch, các sự kiện chính thức của Đại hội ASOSAI 14 diễn ra tại Hà Nội trong 4 ngày, từ 19/9 đến 22/9. Các sự kiện bên lề được tổ chức các ngày 17,18 và 21/9 tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Đại hội ASOSAI 14 sẽ thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của ASOSAI và thống nhấn ban hành các văn bản, chế độ, chính sách cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu và sự phát triển của Tổ chức.

Trong đó, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" là diễn đàn để các thành viên trao đổi, chưa sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán môi trường.

Đại hội dự kiến mời khoảng 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp Trưởng đoàn tương đương từ Bộ trưởng trở lên. Sự kiện cũng dự kiến đón tiếp khoảng 350 khách mời trong nước đại diện các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, địa phương…

Đại hội cũng sẽ ra tuyên bố Hà Nội sau khi kết thúc đại hội ASOSAI 14. Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện quan trọng của đại hội ASOSAI 14 tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất và phản ánh cam kết, hành động của cộng đồng ASOSAI đối với các mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2021.