APEC 2017: Vai trò và vị trí quan trọng của Việt Nam

ANTD.VN - Việc các thành viên APEC ghi nhận và đánh giá cao những ưu tiên nghị sự đưa ra Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra đầu tháng 11 tới ở thành phố Đà Nẵng chính là đóng góp quan trọng của Việt Nam trên cương vị chủ nhà.

Việt Nam trên cương vị chủ nhà đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về các chủ đề ưu tiên nghị sự cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 

Trao đổi báo chí tại Hội nghị bàn tròn “APEC 2017: Kết quả, vấn đề và triển vọng sau năm 2020” diễn ra ngày 23-10 tại Thủ đô Matxcơva, Nga với sự tham dự của hầu hết cộng đồng chuyên gia hàng đầu của Nga, ông Valery Sorokin - quan chức cấp cao APEC của Nga, Trưởng đoàn Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) của Nga - đã đánh giá rất cao công tác chủ nhà Hội nghị Cấp cao APEC 2017 của Việt Nam, mọi hoạt động đến nay đều diễn ra suôn sẻ và được tổ chức ở trình độ cao nhất. Ông Valery Sorokin tin tưởng Hội nghị Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng tới đây cũng sẽ thành công tốt đẹp và thông qua được Tầm nhìn Phát triển sau năm 2020.

Vị quan chức là Trưởng đoàn SOM APEC của Nga cho biết, phía Nga rất quan tâm đến các sáng kiến mà chủ nhà Việt Nam đưa ra, trong đó đặc biệt chú ý đến việc soạn thảo các chương trình hành động chung trong khuôn khổ APEC để củng cố phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Ông khẳng định, Nga tham gia vào sáng kiến này tích cực nhất và đã có những đề xuất về vấn đề này, mà một trong số đó là bảo đảm phát triển kinh tế các vùng sâu vùng xa, bởi sáng kiến của Việt Nam rất tương thích với chương trình của Chính phủ Nga.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 21 nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm tới 60% GDP thế giới, khoảng 44,3 nghìn tỷ USD; APEC chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại của thế giới, khoảng 17,8 nghìn tỷ USD và các thành viên APEC chiếm tới 40% tổng dân số thế giới với 2,84 tỷ người.

Với trách nhiệm của chủ nhà, Việt Nam đã sớm xác định chủ đề lớn của Năm APEC 2017 là: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Với nghị sự ưu tiên bao trùm này, Chủ tịch APEC 2017 đề ra 4 ưu tiên bao gồm: 1- Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2- Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; 3- Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; 4- Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong các ưu tiên này sẽ chú trọng đặc biệt đến các quá trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; công việc APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển; những sáng kiến và dự án của diễn đàn trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực. 

Để lên được ưu tiên nghị sự này, Việt Nam đã tham khảo ý kiến của 21 nền kinh tế thành viên APEC, tổ chức hàng trăm cuộc họp, hội thảo ở trong nước cũng như nhiều thành viên, khu vực quan trọng trên thế giới. Chủ đề bao trùm và ưu tiên nghị sự Cấp cao APEC 2017 được Việt Nam đúc rút, đề xuất phù hợp với ưu tiên và quan tâm của tất cả các thành viên APEC.

Bởi thành viên nào cũng nhận thấy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại trên thế giới và khu vực có dấu hiệu chững lại, APEC cần có “động lực mới” nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế, cũng như tái khẳng định vai trò của APEC trong việc định hình “một tương lai chung” vì hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng.

Đánh giá của Nga về vai trò và đóng góp của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017 cũng là nhìn nhận chung của nhiều thành viên khác của Diễn đàn. Ông Tsutomu Koizumi, Trưởng đoàn Nhật Bản tại Hội nghị Quan chức Cấp cao APEC lần I (SOM 1), cho rằng Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện trọng trách của nền kinh tế đóng vai trò chủ trì hội nghị quốc tế này và Việt Nam đảm nhận vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực cơ bản của các vấn đề chính mà APEC đang đối mặt ngày nay.

Sức hút cũng như mối quan tâm lớn tới nghị sự ưu tiên của Hội nghị Cấp cao APEC vào đầu tháng 11 tới tại Việt Nam còn có thể thấy qua sự hiện diện của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin…