
Hà Nội phải tạo cho các doanh nghiệp tâm lý yên tâm khi đầu tư vào Thủ đô
Tránh đầu tư tràn lan
Đánh giá về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2006-2010, Thành ủy cho rằng, bên cạnh những tiến bộ, vẫn còn mặt tồn tại. Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Cơ cấu nội ngành kinh tế, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa có nhiều mặt hàng chủ lực, chưa có thương hiệu quốc tế. Vai trò động lực kinh tế của Hà Nội trong vùng trọng điểm Bắc bộ và cả nước chưa được thể hiện rõ nét. Áp lực ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng cùng quá trình tăng trưởng.
Cũng theo đánh giá của Thành ủy, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật chưa thực sự đi trước mở đường cho sản xuất kinh doanh. Môi trường kinh doanh và đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa được cải thiện rõ nét. Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những vấn đề nan giải của doanh nghiệp Hà Nội. Chi phí thời gian doanh nghiệp sử dụng để thực hiện các quy định hành chính của Nhà nước trong quá trình hoạt động tại Hà Nội vẫn còn khá lớn so với các địa phương khác. Thái độ tiếp xúc, làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa thực sự đúng mực, theo tinh thần “phục vụ DN”...
Trước thực trang đó, TP đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế Thủ đô. TP sẽ tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cùng với đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị văn minh, hiện đại. Hoàn thành xây dựng và triển khai có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Ngoài việc kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, TP sẽ hình thành hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... tại các đô thị vệ tinh như Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên...
Hà Nội cũng khẳng định, sẽ kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp, nhất là đất canh tác, đất trồng lúa 2 vụ. Kiên quyết dừng hoặc chuyển đổi mục đích các dự án đô thị không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô. TP sẽ quản lý chặt chẽ việc duyệt các dự án, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tránh hiện tượng “quy hoạch treo” gây lãng phí tài nguyên đất.
Mũi nhọn ở đâu?
Các chỉ tiêu đều đặt ở mức khá cao nên nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội phải có quyết tâm rất cao mới có thể thực hiện được. Trong đó, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ngành, vai trò của các quận, huyện cũng rất quan trọng. Ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 411 chợ thì có tới hơn 300 chợ xập xệ, mái che tạm bợ. Các huyện ngoại thành hầu như chưa có siêu thị. Giám đốc Sở Công Thương nói: “Đầu năm 2011, Sở có gửi văn bản đề nghị xác định quỹ đất dành cho phát triển mạng lưới phân phối nhưng tới nay mới có 6 quận, huyện hồi âm...”.
Ông Vũ Đức Bảo, Bí thư Quận ủy Long Biên cho rằng, phải làm rõ “kinh tế mũi nhọn” của Thủ đô là gì, nằm ở địa phương nào, mới có thể hoạch định chiến lược phát triển một cách hiệu quả. Ông nói: “Các quận, huyện đã có quy hoạch kinh tế - xã hội nhưng nói thật hỏi mũi nhọn kinh tế là gì thì chưa trả lời được. Chúng ta không tham vọng làm nhiều nên cần phải có trọng tâm, trọng điểm thật rõ ràng...”. Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư góp ý, quy hoạch và cải cách hành chính phải là những ưu tiên hàng đầu. “Làm thế nào để doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng đổ vốn vào Hà Nội? Chúng ta phải làm cho họ yên tâm từ khâu quy hoạch tới việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài chính...”.
Mặt trái của phát triển kinh tế quá nhanh cũng được nhiều quận, huyện quan tâm. Ông Khuất Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức nói, ô nhiễm môi trường hiện đang là mối lo lớn. Các làng nghề sản xuất cơ kim khí, dệt, chế biến nông sản đang ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. “Các nhà khoa học, các đoàn công tác tới cũng nhiều nhưng giải pháp hiệu quả vẫn chưa có. Còn tiếp tục sản xuất thì còn ô nhiễm nặng hơn. Nhưng không làm thì hàng nghìn lao động đi đâu? Đây là vấn đề cần bàn tay của Nhà nước hỗ trợ mới tìm được lối ra...”.
KCN Hà Nội nộp ngân sách 41 triệu USD
6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng nhanh trong bối cảnh kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn. Tổng doanh thu của các DN này đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nộp ngân sách Nhà nước hơn 41 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu tăng đạt 1,06 tỷ USD, chiếm 40% tỷ trọng xuất khẩu của toàn thành phố.
Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chủ động trong nhiều dịch vụ phục vụ DN, giúp đỡ các DN giải quyết những vướng mắc về hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng thuê lại đất, chuyển nhượng tài sản, hợp đồng vay vốn... nhằm phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 2,2 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm.