An toàn cho người tiêu dùng trước, rồi mới tính đến xuất khẩu

ANTD.VN - Là một nước nông nghiệp đông dân với diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, song người nông dân Việt Nam luôn canh cánh nỗi lo sản xuất ra không biết bán đi đâu. Thế nhưng hàng năm, nước ta chi ra cả tỷ USD để nhập khẩu rau quả, gạo, ngô cho tới thịt các loại cho tiêu dùng hàng ngày. Nghịch lý này là do đâu? 

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt nam đã lên đến 852 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc. Việt Nam cũng là nước trồng ngô, đậu tương, nhưng trong 7 tháng qua đã bỏ ra tới gần 1,3 tỷ USD  nhập nguyên liệu này để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu thịt gà, trâu bò, lợn cũng lên tới hơn 41.000 tấn, trị giá hơn 140 triệu USD.

Riêng mặt hàng gạo, khảo sát cho thấy, có tới 53% người tiêu dùng thích ăn gạo ngoại nhập từ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản. Đây chỉ là vài nét chấm phá về thực trạng nhập khẩu nông sản của Việt Nam, mối lo này ngày càng lớn khi nước ta gia nhập các hiệp định thương mại tự do, mở ra cơ hội lớn khi thị trường không đóng cửa với bất kỳ đối tác nào. 

Tuy vậy, trên thực tế, tỷ lệ nông sản Việt xuất thô vẫn còn cao, chất lượng không đồng đều, đặc biệt là sản xuất hữu cơ chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên khó cạnh tranh ngay cả với các nước láng giềng. Nhìn một cách bao quát, nếu so với các nước mà Việt Nam là đối tác thì nền nông nghiệp nước ta hiện chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ canh tác lạc hậu, năng suất thấp.

Trong khi đó, tiêu chuẩn hữu cơ hiện là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp cao cấp, khắt khe nhất. Đối với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới thì diện tích, sản lượng nông sản hữu cơ cũng còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, và vì thế, thị trường này vô cùng tiềm năng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, các hiệp hội nên tổ chức giới thiệu nông sản hữu cơ cho người tiêu dùng ở một số nước mà hàng Việt xuất khẩu nhằm tạo niềm tin đối với mặt hàng mang thương hiệu Việt. Có thương hiệu thì mới chen chân vào chuỗi nông sản khu vực và thế giới. 

Muốn làm được điều này, ngành nông nghiệp cần tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, sản xuất cây trồng, vật nuôi có lợi thế tiềm năng xuất khẩu cao. Điều cốt lõi là phải siết chặt khâu sản xuất nông sản “100% hữu cơ”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho chính người tiêu dùng trong nước, rồi mới tính đến chuyện xuất khẩu thu ngoại tệ. 

Không nên quên rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn được che chắn, bảo hộ bằng hạn ngạch, hàng rào thuế quan. Song, chẳng bao lâu khi hàng rào được dỡ bỏ thì nông sản hữu cơ sẽ là giải pháp bền vững cho nền nông nghiệp cũng như hàng triệu hộ nông dân trên cả nước.