“Ăn sống” môi trường

(ANTĐ) - Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được đưa ra để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội kỳ này. Liên tiếp diễn ra các vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu thuế có cứu nổi môi trường? Luật có nhằm đúng mục tiêu, đối tượng hay không?

“Ăn sống” môi trường

(ANTĐ) - Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được đưa ra để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội kỳ này. Liên tiếp diễn ra các vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu thuế có cứu nổi môi trường? Luật có nhằm đúng mục tiêu, đối tượng hay không?

Mục tiêu chính của Dự luật là khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuy vậy, cơ quan soạn thảo lại lo ngại việc đánh thuế sẽ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nên chỉ đưa vào “đích ngắm” 5 nhóm đối tượng chịu thuế là xăng, dầu, than, túi nhựa xốp, môi chất làm lạnh và thuốc bảo vệ thực vật.

Có nghĩa là “thủ phạm” chính “ăn sống” môi trường ghê gớm nhất là ô nhiễm nguồn nước, nhất là nước thải công nghiệp hầu như vẫn ngoài vùng pháp luật. Khuyến khích phát triển kinh tế đi đôi với giảm ô nhiễm môi trường, nhưng luật lại không đưa các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vào đối tượng điều chỉnh vì lo ngại ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Quy định loại trừ đối tượng này chẳng những không thể ngăn ngừa, mà còn gián tiếp “bật đèn xanh” cho những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm nặng, dùng Việt Nam làm địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu, để lại hậu họa môi trường cho địa phương, mà Vedan là một trong những bằng chứng sống.

Trong 5 nhóm đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, hoàn toàn không có chất phế thải, phế liệu. Trong trường hợp này, dù đánh thuế nặng để tăng thu ngân sách hoặc hạn chế hành vi làm tổn hại môi trường đều không đạt được mục tiêu. Một đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nói: “Nguyên liệu gây ô nhiễm thì phải cấm nhập khẩu, chứ không phải cho nhập vào nước ta rồi đánh thuế dù là thuế cao đến đâu. Việt Nam không phải thu thuế để biến thành bãi phế thải của thế giới”. Theo một báo cáo mới thông báo của Trung tâm Quan trắc môi trường và các khu công nghiệp từ năm 2005-2009, có ba “thủ phạm” đang tiếp tục “ăn sống” môi trường khủng khiếp là khí thải, nước thải và chất thải rắn. Theo điều tra, mới có 43% các khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung, còn lại 57% là thải thẳng xuống sông ngòi. Trong số 57% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, chỉ có 13% khu đang xây dựng, còn lại 44% không “động tĩnh” gì.

Điểm mặt các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải thì địa phương nào cũng có như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Theo nhận định của Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, hầu hết các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý là do họ lách luật. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng luật, có xây hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa vận hành hoặc lấy lý do chưa lấp đầy 70% diện tích nên chưa xây dựng. Đặc biệt, luôn có nhiều doanh nghiệp vẫn đang “ăn sống” môi trường. Tức là họ làm ăn có lãi nhưng không chịu bỏ tiền ra bảo vệ môi trường. Thậm chí họ thiết kế hệ thống ngầm rất tinh vi để xả thải vào sông ngòi, kênh nước rất khó phát hiện.

Bộ Tài nguyên Môi trường vừa công bố Báo cáo môi trường, khu công nghiệp năm 2009. Theo đó, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra ngoài, gây ô nhiễm trầm trọng. Sức chịu đựng của môi trường đã tới hạn, dù thuế bảo vệ môi trường “đánh” mạnh đến đâu cũng bó tay.

Đan Thanh