Âm vang tiếng đại bác thời bình

(ANTĐ) - “Thêm một mốc son lịch sử, thêm giá trị truyền thống cho đơn vị khi chúng ta được giao nhiệm vụ đặc biệt: Bắn đại bác chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng ta phải tập trung cao độ, với mọi nỗ lực lớn nhất cho luyện tập bắn pháo mừng đại lễ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử ngàn năm mới có…”.

Kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2010) và 21 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân:

Âm vang tiếng đại bác thời bình

(ANTĐ) - “Thêm một mốc son lịch sử, thêm giá trị truyền thống cho đơn vị khi chúng ta được giao nhiệm vụ đặc biệt: Bắn đại bác chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng ta phải tập trung cao độ, với mọi nỗ lực lớn nhất cho luyện tập bắn pháo mừng đại lễ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử ngàn năm mới có…”.

Đó là mệnh lệnh và cũng là những lời tâm huyết của Chính ủy đoàn pháo binh Tất Thắng (Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống đơn vị (22-12-1945/22-12-2010) khi giao nhiệm vụ và động viên toàn đơn vị cùng cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bắn đại bác phục vụ Đại lễ.

Sau những tháng ngày kiên trì luyện tập, thời khắc lịch sử đã đến, đúng 8h10 sáng 10-10-2010, tại Quảng trường Ba Đình, 21 loạt đại bác gầm vang trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức trọng thể kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bắn đại bác mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Bắn đại bác mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Như năm xưa ra trận, hồi hộp và mong đợi trước áp lực của trách nhiệm, của ý chí quyết thắng, nay cũng vậy, trước “giờ G” áp lực dồn nén đến nghẹt thở, cho đến khi không gian bỗng vỡ òa, bừng lên nhạc Tiến Quân Ca hòa cùng từng loạt, từng loạt đại bác rền vang, phối hợp đồng thời và chính xác trong lễ chào cờ. Khi 21 loạt bắn và bản Quốc ca cùng kết thúc, chúng tôi mới buông dây giật cò, đứng lặng im trong niềm xúc động khó tả. Bỗng nhiên chúng tôi quên hết những tháng ngày khó khăn vất vả để rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng và kỷ luật nghiêm ngặt theo yêu cầu.

Chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những lời tâm đắc của chính ủy Lữ đoàn, chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng cả trái tim, cả trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng đối với thủ đô nghìn năm yêu dấu. Được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh khen ngợi: “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi càng phấn khởi tự hào được vinh dự góp phần nhỏ bé của đơn vị mình cho thành công ngoài mong đợi của Đại lễ.

Thành công của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là vô cùng to lớn, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, không chỉ đơn thuần là một khối lượng công việc “khổng lồ”, hoạt động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực văn hóa xã hội, với quy mô lớn chưa từng có từ trước đến nay, mà còn thể hiện tầm cao trí tuệ Việt Nam, nổi bật bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử anh hùng bất khuất của dân tộc, được hun đúc trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó còn là sự tri ân với cha ông tiên tổ, với các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu muôn đời một di sản vô giá, một thủ đô, một đất nước địa linh nhân kiệt, một truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng bất khuất “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

“Đoàn pháo binh Tất Thắng” là một trong những đơn vị lực lượng vũ trang được thành lập sớm nhất, sinh ra và lớn lên từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ cách mạng tháng 8 năm 1945, trong cao trào đấu tranh cách mạng anh dũng kiên cường của nhân dân Hà-Nam-Ninh. Do lập được chiến công oanh liệt ở thành Nam đầu năm 1947, Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen và tặng lá cờ với danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”, danh hiệu đầu tiên Bác Hồ tặng cho Quân đội.

Từ một đơn vị Bộ binh, theo yêu cầu chiến đấu, đơn vị đã xây dựng và chuyển binh chủng thành trung đoàn pháo binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, trung đoàn đã làm nên một kỳ tích, để lại câu chuyện huyền thoại: Vào những năm 1950 trong kháng chiến chống Pháp, trên núi rừng hiểm trở biên giới Tây Bắc, với yêu cầu phải giữ an toàn tuyệt đối bí mật bất ngờ đối với địch trước khi ta nổ súng vào trận quyết chiến chiến lược, trung đoàn đã có một quyết định, một sáng kiến sáng tạo, độc đáo “Thả pháo xuôi bè”, tháo rời 24 khẩu đại bác hạng nặng đặt lên bè, cùng toàn bộ trang bị vũ khí, khí tài và hàng trăm tấn đạn dược, vượt qua bao ghềnh thác hiểm trở trên chặng đường sông nước dài hàng trăm cây số, từ Thíp (Lào Cai) về Yên Bái đến khu tập kết bí mật an toàn, kịp kéo pháo vào tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trung đoàn 45 pháo binh là đơn vị được chỉ định bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam (13h10 ngày 13-3-1954) mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, là đơn vị đã thực hiện xuất sắc mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh “Làm cho địch khiếp sợ pháo binh Việt Nam”. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 45 vinh dự được nhận cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch và hàng chục huân chương các loại.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thị xã Hải Dương và Sơn Tây. Trung đoàn phát triển thành Lữ đoàn 364 với trang bị lựu pháo 122mm. Đặc biệt trong huấn luyện, vượt lên hàng đầu về tinh thần thi đua làm chủ vũ khí kỹ thuật, Lữ đoàn 364 đã trở thành quê hương của phong trào “Pháo thủ toàn năng” của lực lượng vũ trang nhân dân.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở lại với phiên hiệu truyền thống cũ, Trung đoàn 45 Tất Thắng mang theo tinh thần và khí phách Điện Biên vào trận.

Năm 1972, Trung đoàn 45 tham gia chiến dịch Trị Thiên, đã chủ động, mưu trí tiến công địch, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng, kể cả phát huy “pháo bắn tỉa” như ở Điện Biên Phủ, bắn cháy, bắn chìm hàng chục tàu chiến Mỹ trên biển Vĩnh Linh, liên tục đánh địch phản kích ra Thành Cổ, ra vùng giải phóng Quảng Trị suốt 250 ngày đêm, góp phần tạo nên bước chuyển biến chiến lược quan trọng trong giai đoạn cuối của chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, Lữ đoàn Pháo binh 45 (trong đội hình Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng) đã hành quân thần tốc 1700km, chạy đua với thời gian, lao nhanh tới địa bàn chiến dịch, kịp thời tham gia chiến đấu. Một sự trùng hợp và cuộc “hội ngộ” lịch sử hiếm có, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn 45 lại được giao nhiệm vụ chi viện cho sư đoàn 312 (Đại đoàn 312, đơn vị đã từng hiệp đồng chiến đấu với Trung đoàn 45 ở trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ), đánh chiếm Phú Lợi, thị xã Bình Dương và giải phóng hoàn toàn tỉnh Thủ Dầu Một, tiêu diệt sư đoàn 5 ngụy và tiến đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn.

Đặc biệt hơn nữa, Đại đội 806 của Lữ đoàn, đơn vị đã bắn pháo đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nay lại được giao trọng trách bắn những viên đạn trái phá tầm xa (pháo 130mm) vào sào huyệt cuối cùng của địch, bộ tổng tham mưu Ngụy, góp phần kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh; giành thắng lợi hoàn toàn, thắng lợi oanh liệt nhất, hiển hách nhất trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

65 năm một chặng đường gian lao mà anh dũng, trưởng thành và chiến thắng, trong thời chiến cũng như thời bình, thời kỳ đổi mới, Lữ đoàn 45 đã hai lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Lữ đoàn đã xây dựng và phát huy truyền thống pháo binh “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” và truyền thống đơn vị “Đoàn kết tất thắng, đánh giỏi bắn trúng”, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và quân đội.

Hoàng Hải