Ai sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng?

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp Bộ KH-ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. 

Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người dân bao gồm cả các thủ tục hành chính nhằm bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, chắt chẽ, công khai, không trục lợi.

Để chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không có độ trễ, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp Bộ KH-ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ hoàn thành và trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai đúng đối tượng, thành phần quy định.

Tại dự thảo tờ trình Quyết định, Bộ LĐ-TB&XH nêu ra 7 nhóm đối tượng thụ hưởng bao gồm: 

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.  

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng; 

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc;

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng;

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần;

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần;

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần. 

Về cách thức triển khai, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ 3 tháng, thực hiện chi trả 1 lần, thực hiện cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5. Việc hỗ trợ người có công, người được bảo trợ xã hội sẽ do ngành LĐ-TB&XH triển khai; người nghèo, cận nghèo sẽ do chính quyền cấp phường, xã thực hiện.

Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Với việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động…