90% doanh nghiệp không báo cáo về tai nạn lao động

ANTĐ - Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 trên cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm chết 666 người và 7.785 người bị thương, thiệt hại 153,97 tỷ đồng. Con số trên khiến không ít người giật mình về những nguy hiểm mà người lao động hàng ngày phải đối mặt. Tuy nhiên theo các chuyên gia về an toàn lao động, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

90% doanh nghiệp không báo cáo về tai nạn lao động ảnh 1Xây dựng là lĩnh vực dẫn đầu về số vụ tai nạn dẫn đến chết người

Chưa phản ánh đúng thực tế

Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng, những số liệu liên quan đến số vụ tai nạn lao động, số người chết được nêu ra trong báo cáo về tình hình an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ hàng năm mới chỉ phản ánh được một phần “bức tranh” về tai nạn lao động. Theo thống kê, trong năm 2015 mới chỉ có 18.375/265.000 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ chưa tới 10%) báo cáo về tình hình tai nạn lao động.

Lý giải điều này, ông Hà Tất Thắng cho biết, hiện nay mới chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) báo cáo về tình hình tai nạn lao động, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hầu như bỏ qua vấn đề này.

Theo phân tích của Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Tiến Tùng , một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê chưa sát với thực tế là do việc thỏa thuận bưng bít thông tin từ phía doanh nghiệp. Khi để xảy ra tai nạn, nhiều đơn vị sử dụng lao động (đặc biệt là trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng) thường thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc nhằm che đậy những sai sót trong công tác đảm bảo an toàn lao động.

Để khắc phục tình trạng báo cáo thiếu tính thực tế, ông Hà Tất Thắng cho biết, Cục An toàn lao động đang xem xét việc tách riêng nhóm đơn vị sự nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp có tính sản xuất, nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Bên cạnh đó, theo luật An toàn vệ sinh lao động sửa đổi yêu cầu báo cáo thêm tình hình khu vực ngoài quan hệ lao động. Điều này chắc chắn sẽ khiến số liệu tai nạn lao động tiệm cận tới con số thực tế.

Nâng cao vai trò quản lý

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, mỗi năm thiệt hại do tai nạn lao động gây ra lên đến hàng trăm tỷ đồng. Người bị tai nạn lao động trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Tuy vậy, ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn lao động của một bộ phận không nhỏ người sử dụng còn hạn chế, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, luyện kim còn sử dụng tới 70% lao động thủ công.

Trong khi đó, các công đoạn trong dây chuyền sản xuất, người lao động phải làm việc trong điều kiện lao động có nguy cơ mất an toàn cao. Phân loại nguyên nhân cho thấy 52,8% các vụ tai nạn lao động xuất phát từ người sử dụng lao động.

Trong đó, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7% tổng số vụ và do tổ chức lao động, điều kiện lao động chiếm 2,6% tổng số vụ.

Để tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về an toàn lao động, trong thời gian tới, hệ thống thanh tra an toàn vệ sinh lao động sẽ được bổ sung khoảng 300 cán bộ có chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó Bộ LĐ-TB&XH cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… 

Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18, năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo luật An toàn, vệ sinh lao động” sẽ diễn ra từ ngày 20-3 đến ngày 26-3 tại tỉnh Hưng Yên.