9 "đề bài" khó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung "đặt hàng" ngành giáo dục Thủ đô

ANTD.VN - Thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến ngành giáo dục - đào tạo của Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đặt ra 9 "đề bài" cho gần 7.000 giáo viên, nhà quản lý của ngành; để giáo dục Thủ đô đi đầu đổi mới, đáp ứng yêu cầu rất cao về nguồn nhân lực khi đất nước hội nhập quốc tế.

Sáng 11-8, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, ngành giáo dục Thủ đô luôn giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước. Mặc dù đầu tư của Thành phố cho ngành giáo dục đến nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn song ngân sách 2016 và 5 năm tiếp theo của Thành phố sẽ nâng từ 15 lên 19% GDP; cho thấy thành phố đang coi đầu tư cho giáo dục là trọng tâm. 

Chủ tịch UBND TP cho biết, từ đầu 2016, Thành phố đã đầu tư xây mới 26 trường học và ngay tháng 9 tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 40 trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thậm chí là trên chuẩn để làm mô hình mẫu cho các trường học xây mới tiếp theo. Thành phố cũng tiến hành vừa rà soát các quỹ đất tại tất cả các quận huyện để xây trường, trong đó, mới nhất là quyết định lấy 3.000m2 đất của một dự án sau nhiều năm không triển khai giữa trung tâm Hà Nội để đầu tư xây trường học. Chủ tịch UBND TP cho biết, 40 trường khởi công vào tháng 9 tới sẽ phải hoàn thành trước tháng 8-2017, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về môi trường học tập.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, bên cạnh những nhiệm vụ Chính phủ, Bộ GD-ĐT giao, ngành giáo dục Hà Nội phải tạo ra những điểm nhấn của Thủ đô. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Nguễn Đức Chung đặt ra 9 vấn đề mà ngành giáo dục Hà Nội cần triển khai trong thời gian tới.

Một trong những điểm nhấn đầu tiên là trồng hơn 28.000 cây xanh trong trường học, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp tại 2.622 trường học trên toàn thành phố.  Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP cho biết, cá nhân ông đã nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc học sinh phải nhịn đi vệ sinh ở trường do khu vệ sinh trường học không đảm bảo. Để khắc phục vấn đề này, dự án cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học đã được khởi động với việc thành đặt hàng hệ thống toilet riêng cho học sinh. Cùng với đó, hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư nhằm đảm bảo đủ nước uống hàng ngày cho học sinh.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao thưởng cho các trường có thành tích cao trong năm học 2015-2016

Đặt câu hỏi các thầy cô suy nghĩ gì khi có tới 1/4 học sinh phải đeo kính, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm: "Trước đây, các thầy cô rất quan tâm tới việc ngồi học đúng tư thế còn bây giờ phải nói là chúng ta đang thất bại khi tỷ lệ học sinh, đặc biệt là học sinh nội thành phải đeo kính ngày càng cao. Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh vào trách nhiệm, ý thức của giáo viên trong vấn đề này bởi nếu không, năm mười năm nữa, chúng ta sẽ phải trả giá. Nếu muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, đây là việc cần phải được coi trọng từ bậc phổ thông chứ không thể chờ đến đại học" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề thể chất học sinh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã hợp tác với một nhóm chuyên gia đến từ nhiều nước để xây dựng một trung tâm để học sinh được rèn luyện thể lực, kỹ năng sống. Việc xây dựng sẽ được triển khai trong năm nay để năm 2018 đi vào hoạt động. 

Cho rằng trong thời kỳ hội nhập, giáo dục cũng như các ngành khác của Thủ đô phải đặt ra tầm cao mới, để bạn bè quốc tế biết đến giáo dục Việt Nam, giáo dục Thủ đô một cách trực tiếp chứ không phải chỉ thông qua vài khuôn mặt đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế. "Hiện có bao nhiêu trường ở Thủ đô được công nhận bằng tú tài quốc tế? Chúng ta chưa có trường nào. Đây là điều đáng để trăn trở, suy nghĩ. Mô hình trường chất lượng cao không dám tự chủ hoàn toàn, kéo theo chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Học xong phổ thông, con em chúng ta vẫn phải mất thêm 2 năm học ngoại ngữ để có chứng chỉ nước ngoài. Nếu các trường phổ thông của Hà Nội có thể đạt tiêu chuẩn công nhận quốc tế thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho người dân?  Sắp tới, thành phố sẽ phối hợp với trường ĐH Cambridge đầu tư vào trường THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội-Amsterdam để áp dụng chương trình chuẩn của họ song song với chương trình trong nước giúp học sinh Thủ đô ra trường là có thể hoà nhập với thế giới mà không mất thêm hai năm" - ông Nguyễn Đức Chung nói. 

Một "đề bài" nữa được Chủ tịch UBND TP đưa ra với ngành giáo dục là phải làm sao để giải phóng sự sáng tạo và lòng nhân hậu của học sinh ngay từ nhỏ. "Hãy để các con tham gia làm sản phẩm sáng tạo và bán các sản phẩm đấy vì từ thiện. Hãy tạo ra những công dân nhân hậu, sáng tạo ngay từ bây giờ"- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị. 

Không chỉ đổi mới, tập trung vào truyền thụ kiến thức chuyên môn, ngành giáo dục còn có thể tạo ra sự chuyển biến lớn đối với thành phố. Theo Chủ tịch UBND TP, với trọng trách giáo dục 1,7 triệu học sinh, chiếm 1/4 dân số Thủ đô, sức lan tỏa, ảnh hưởng của nhà trường rất rộng.

"Chúng ta cứ nói mãi câu chuyện đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm' bị cấm nhưng vẫn đi xe máy gửi bên ngoài trường. Thế nên, cần tăng cường giáo dục Luật Giao thông từ trong nhà trường. Các em thực hiện tốt luật Giao thông sẽ tạo ra sự lan toả ghê gớm. Nên bố trí học Luật Giao thông cho các em ít nhất một tuần trong mỗi năm học"- Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Cũng như vậy, nếu 1,7 triệu học sinh nhắc nhở bố mẹ nên vứt rác đúng giờ để thành phố sạch đẹp hơn. Các em chính là những sứ giả để giúp thành phố sạch hơn, đẹp hơn.

Yêu cầu phải quản lý giáo dục bằng công nghệ thông tin được Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh. "Vừa qua, tuyển sinh trực tuyến mới đạt 51% tỷ lệ người dân sử dụng, như vậy là chưa đạt yêu cầu. Còn có những hiệu trưởng, thầy cô chưa chuẩn bị tốt tinh thần cho công việc này. Hà Nội từ ngày 5-9 sẽ áp dụng học bạ điện tử. Việc này sẽ giúp chấm dứt tình trạng sửa chữa điểm và quan trọng hơn là tạo ra một kho dữ liệu con người khổng lồ. Các nhà quản lý, hiệu trưởng cần phổ biến cho giáo viên hiểu tầm quan trọng của việc này"- Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Việc cập nhật những đánh giá, nhận xét của mỗi học sinh trong suốt quá trình học tập sẽ là dữ liệu quan trọng để căn cứ vào đó, các nhà quản lý, tuyển dụng có thể tiếp cận, đánh giá chính xác năng lực của mỗi người, từ đó mới sử dụng đúng vị trí.