9 cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách cho Hà Nội

ANTD.VN - Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội sáng 9-6. Theo dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ đề xuất 9 cơ chế, chính sách tài khóa đặc thù cho Thủ đô. 

9 cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách cho Hà Nội ảnh 1Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc tờ trình trước Quốc hội

1. Được tự quyết định thu và mức thu các khoản phí, lệ phí

Căn cứ yêu cầu, năng lực, trình độ quản lý kinh tế - xã hội của thành phố, Chính phủ trình Quốc hội thí điểm giao HĐND TP Hà Nội quyết định việc thu phí.  Theo đó, khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn: Thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách Trung ương hưởng 100%). Các khoản thu tăng thêm này, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

2. Được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất 

Để tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

3. Được hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp

Để tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn lực cho đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội quy định thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

4. Được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố 

Căn cứ khả năng của thành phố Hà Nội trong việc thu hút nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ; trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc ưu tiên trong phân bổ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ theo định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội quy định HĐND TP Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

5. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư 

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương không những luôn tự đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn (năm 2018 dự kiến dư khoảng 21.400 tỷ đồng; năm 2019 dư khoảng 28.300 tỷ đồng; năm 2020 dư khoảng 39.720 tỷ đồng). Trên cơ sở đó, trình Quốc hội quy định Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

6. Được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên vào đầu tư 

Căn cứ tình hình nhu cầu thực tế, khả năng của Hà Nội, Chính phủ trình Quốc hội quy định thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: Phòng cháy chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp  nước, thoát nước, điện, các phương tiện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do thành phố quản lý. 

7. Được sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ các địa phương khác

Chính phủ trình Quốc hội quy định thành phố Hà Nội được sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước; cho phép các quận, huyện sử dụng ngân sách của cấp huyện để hỗ trợ các quận, huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

8. Nâng mức trần dư nợ vay của thành phố từ 70% lên 90%

Luật Ngân sách Nhà nước quy định mức trần dư nợ vay của thành phố Hà Nội không quá 60% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trên cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, trong đó đã nâng mức trần dư nợ vay của thành phố lên 70%. Để phù hợp với nhu cầu cần huy động vốn đầu tư các công trình trọng điểm lớn của thành phố, đồng thời phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức trần dư nợ vay của thành phố từ 70% lên 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đồng thời, để quản lý bội chi ngân sách và nợ công, dự thảo Nghị quyết quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

9. Được tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính 

Trong điều kiện quy mô Quỹ dự trữ tài chính của thành phố khá lớn, trong khi nhu cầu huy động vốn để đầu tư hàng năm của thành phố tăng cao, việc huy động có những thời điểm gặp khó khăn, chi phí lớn, Chính phủ trình Quốc hội quy định cho phép thành phố Hà Nội được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% so số dư Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố đến ngày 31-12 năm trước.