70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Quốc hội giám sát tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước

ANTĐ - Hiến pháp 2013 đã có sự sửa đổi, bổ sung quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 cũng có sửa đổi tương ứng. Các quy định này là cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ tới.

70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Quốc hội giám sát tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước ảnh 1Phiên lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tháng 11-2014. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Điều 69 Hiến pháp 2013 tiếp tục quy định về vai trò của Quốc hội: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Về chức năng, “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Việc sửa đổi này nhằm khẳng định đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội chỉ bao gồm “tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước”.

Về nhiệm kỳ của Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đã bổ sung thêm một số nội dung về vấn đề này. Bên cạnh việc tiếp tục quy định thời gian cho mỗi nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm, luật cũng xác định rõ, khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội sẽ quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ. Việc  kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh. 

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đã bổ sung quy định mới về việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm ghi nhận thẩm quyền của Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Luật cũng quy định cụ thể hơn về tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách, thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và trách nhiệm trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Luật cũng thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên và tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các điều kiện đảm bảo tính độc lập cho đại biểu Quốc hội…