70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước

ANTĐ - Ngày Chủ nhật 6-1-1946, đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ: “Đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”, bằng ý chí sắt đá của dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, bằng cả niềm vui sướng, hân hoan, toàn thể người dân Việt Nam đã dành trọn ngày lịch sử này để đi bỏ phiếu.

70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước ảnh 1Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả tại các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tại Hà Nội, 91.95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Đã có 6/74 ứng cử viên của Hà Nội trúng cử đại biểu Quốc hội, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất (phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín) đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi này là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ nước ta có Quốc hội, có một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhận định, đó là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm giành lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.