7 bác sĩ trẻ dấn thân, lấp "khoảng trống" y tế vùng cao

ANTD.VN - Ngày 28-6, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bàn giao 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn. 

7 bác sĩ trẻ dấn thân, lấp "khoảng trống" y tế vùng cao ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bàn giao 7 bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn

Đây là 7 bác sĩ trẻ đầu tiên trong tổng số 78 bác sĩ đang được đào tạo theo dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa…”. 7 bác sĩ này sẽ về công tác tại các huyện nghèo của 4 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên, trong thời gian 2-3 năm.

Sức trẻ vì bà con vùng khó khăn

Trong 7 bác sĩ được bàn giao về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sáng 28-6 ở Bắc Hà (Lào Cai), có 2 bác sĩ là nữ. Bác sĩ Trần Thị Loan (SN 1989, quê Thanh Hóa) được lựa chọn về với huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) công tác trong 2 năm tới. Gần 30 tuổi, chưa lập gia đình, quyết định tình nguyện lên miền núi, nơi có môi trường hành nghề cũng như sinh hoạt hoàn toàn khác biệt so với một bệnh viện ở Thủ đô mà Loan đang công tác trước đó, lúc đầu Loan cũng hoang mang.

Nhưng nhờ được sự động viên của lãnh đạo bệnh viện, rồi nghĩ đến cảnh những gia đình bệnh nhân từ miền núi khi vượt tuyến về Thủ đô điều trị khó khăn ra sao, tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong Loan thôi thúc cô lên đường. “Tôi đã rất mong đợi tới quãng thời gian này, được bung hết sức trẻ với đam mê đã chọn” - bác sĩ Trần Thị Loan nói.

Cũng giống bác sĩ Loan, bác sĩ trẻ Phạm Văn Tuấn (SN 1989, quê Hải Dương), tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Hải Phòng, từng có khá nhiều lựa chọn về nơi công tác khi ra trường, thế nhưng sự thôi thúc của tuổi trẻ và tính ham học hỏi đã khiến anh quyết định lựa chọn tham gia dự án bác sĩ trẻ về miền núi.

“Cái được lớn nhất, không gì đánh đổi được với người làm ngành y, đó là được đào tạo chuyên khoa ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Thời gian được đào tạo tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong khuôn khổ dự án, tôi được cử riêng một giáo sư kèm cặp nên tay nghề “lên rất nhanh” và đến nay tôi có thể vững vàng xử trí được các ca bệnh khó” - bác sĩ Phạm Văn Tuấn cho biết. Sau lễ bàn giao sáng 28-6, bác sĩ Phạm Văn Tuấn sẽ về huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) công tác trong 3 năm.

Được biết, các bác sĩ tham gia vào dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa…”, sau thời hạn công tác trực tiếp tại vùng khó khăn (2 năm đối với bác sĩ nữ, 3 năm với bác sĩ nam) sẽ được trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc ngay từ khi tham gia dự án này. 

Bước đột phá của ngành y

Tại buổi lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ tình nguyện đầu tiên sáng 28-6 ở Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về miền núi, vùng khó khăn công tác là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân. 

Hiện tại, ở 62 huyện nghèo trên cả nước đang rất thiếu bác sĩ, nhiều bệnh viện tuyến huyện của các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang... chỉ có 4-5 bác sĩ, thậm chí có huyện chưa có bác sĩ nào. Nhu cầu ở 62 huyện nghèo này cần tới 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa về công tác.