45 triệu xe máy vẫn "thả nổi" về khí thải

ANTĐ - Đề án kiểm soát khí thải xe máy được Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng khá lâu nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi, hàng nghìn xe máy quá “date”, cà tàng không đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn khí thải vẫn lưu hành.
45 triệu xe máy  vẫn "thả nổi" về khí thải ảnh 1

Không có tiêu chuẩn khí thải, xe máy cũ nát vẫn tham gia lưu thông

Xe máy đăng ký mới gia tăng mạnh

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, GTVT tiêu thụ nhiên liệu lớn khi chiếm tới 55% tổng lượng xăng dầu trong cả nước. Cùng với quá trình tiêu thụ nhiên liệu, phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Ngành GTVT đóng góp khoảng 22,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính theo phân ngành năng lượng. 

Trong khi, phần lớn ô tô đã được kiểm soát khí thải theo chu kỳ đăng kiểm, có niên hạn sử dụng thì hơn 45 triệu xe máy vẫn chưa được kiểm soát cả về khí thải lẫn niên hạn. Hàng ngày, trên đường có những chiếc xe máy cà tàng, chỉ còn trơ khung vẫn cồng kềnh chở hàng hóa, xả khói đen xì lưu thông. Không những tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất ATGT mà còn gây ô nhiễm không khí. Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố có thêm khoảng 170.000 xe máy được đăng ký mới. Trong khi đó, xe máy hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo tiêu chuẩn ATGT vẫn lưu thông trên đường. Tuy nhiên, việc xử lý hết sức khó khăn vì không có quy định về niên hạn hay đăng kiểm.

TS. Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cảnh báo, nếu không sớm có những “rào cản kỹ thuật” về tiêu chuẩn khí thải, chúng ta sẽ trở thành “bãi thải” về công nghệ của thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 2,5 triệu ô tô và 45 triệu xe máy. Con số này đang gia tăng nhanh, tạo ra áp lực lên môi trường, đặc biệt tại các đô thị. Từ năm 2007, Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 2. Tuy nhiên, đây là mức kiểm soát khí thải ở mức thấp nhất. Đề án kiểm soát khí thải xe máy được Bộ GTVT xây dựng từ năm 2008 và đã được phê duyệt, thông qua.

Lộ trình cho giai đoạn 2010-2013, kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 20% số xe máy ở Hà Nội và TP.HCM; giai đoạn 2013-2015, kiểm định 80-90% số lượng xe máy tại 2 thành phố này và mở rộng mạng lưới để thực hiện kiểm định khí thải cho 60% số lượng xe máy đang tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2. Song, do nhiều vướng mắc khó khăn, đến nay đề án này vẫn nằm trên giấy. Cục Đăng kiểm đang tiếp tục xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe máy, đưa lộ trình mới, lùi mốc thời gian thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM từ năm 2017.

Kiến nghị bỏ phí kiểm định khí thải xe máy

Đại diện Cục CSGT cho rằng, cần áp dụng lộ trình kiểm soát khí thải với mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố trực thuộc Trung ương, sau đó mới triển khai trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, việc Đề án kiểm soát tiêu chuẩn khí thải xe máy giao cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và các đại lý được ủy quyền kiểm định và cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định đối với mô tô, xe máy, cần có cơ chế, chính sách để kiểm tra, giám sát tránh tiêu cực, dẫn tới tình trạng các đại lý cố tình làm khó dễ, buộc chủ phương tiện phải thay phụ tùng thì kiểm định mới đạt tiêu chuẩn. 

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm đưa ra mức phí kiểm định xe là 100.000-150.000 đồng/lần/2 năm, theo đại diện Cục CSGT, hiện thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng đã ở mức 3.000 đồng/lit, dầu diezel là 1.500 đồng/lit. Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép trích thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng, dầu để chi trả cho hoạt động này. Với những xe đã quá cũ nát, không thể sửa chữa, bảo dưỡng được nữa thì đề nghị thu hồi. 

Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ GTVT Nguyễn Xuân Khang thông tin, mức độ ô nhiễm của khí thải ở thành phố lớn qua khảo sát chiếm tới 70%. Việt Nam đã xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, ô tô từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Để thực hiện được vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Khang, cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, cụ thể hơn nữa cho việc áp dụng các tiêu chuẩn, lộ trình, chế tài cụ thể. Cục Đăng kiểm Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về mặt thiết bị, con người, quy trình, tiêu chuẩn để kiểm soát được khí thải của các phương tiện cơ giới trong quá trình lắp ráp, lưu hành theo chu kỳ…