30 năm trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma: Những "lá chắn sống" quyết tử giữ biển đảo Tổ quốc

ANTD.VN - Sự kiện Trung Quốc dùng lực lượng quân sự đánh chiếm một số đảo đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam vào tháng 3-1988, cho đến nay đã tròn 30 năm. Thế nhưng, những ký ức bi tráng của trận chiến đấu sáng ngày 14-3-1988 vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của Đại tá hải quân Vũ Huy Lễ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Không chỉ với ông mà tất cả thủy thủ đoàn của tàu HQ505 đều đã chọn ngày này hàng năm để tụ tập ôn lại kỷ niệm và tưởng nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống khi bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Sứ mệnh đặc biệt

Mặc dù còn chưa hồi phục hẳn sau trận ốm liệt giường đúng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa rồi bởi chứng bệnh huyết áp, thế nhưng mấy hôm nay, Đại tá Vũ Huy Lễ vẫn thức dậy sớm hơn thường lệ. Tuổi già, không ngủ được cũng là lẽ bình thường. Với người lính già năm xưa, những ngày tháng 3 này luôn khiến trái tim ông quặn đau, nhói buốt khi nhớ đến những người đồng đội hòa dòng máu với biển khơi mặn mòi, đã quyết tử chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, hơi thở cuối cùng, để giữ được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong một cuộc chiến đấu không cân sức.

Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ bồi hồi trước bộ sắc phục hải quân đã cũ  

Như một thói quen khó lý giải, công việc đầu tiên ông làm sau khi đánh răng rửa mặt là mở tủ lấy ra bộ quân phục hải quân màu tím than đã cũ. Tỷ mẩn chỉnh lại bộ quân hàm, gắn lại chiếc huân chương, vuốt qua vài nếp gấp, ông tần ngần như còn luyến tiếc điều gì rồi lại treo nó vào trong.

Rồi ông nói thật khẽ: “Ngày 14-3 cũng là ngày giỗ chung của 64 người lính biển. Trận chiến ấy, chúng ta mất 2 tàu, phía Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma, nhưng các nhóm đảo còn lại Việt Nam vẫn giữ vững. Chỉ tiếc, giá như ngày đó tất cả các tàu của ta đều được trang bị hỏa lực mạnh thì tổn thất sẽ bớt xót xa hơn rất nhiều”.

Đại tá Lễ sinh ra ở đất cảng Hải Phòng. Giữa năm 1965, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa nhập ngũ theo lời kêu gọi của Tổ quốc, ông được biên chế vào quân chủng Hải quân. “Tôi may mắn hơn nhiều anh em khác là sau khi giải phóng được Nhà nước cho đi học ở Học viện Hải quân Liên Xô. Tốt nghiệp về nước năm 1982, cuộc đời tôi gắn liền với con tàu HQ505 như một người bạn tri kỷ suốt 6 năm cho tới khi xảy ra trận chiến đấu Gạc Ma 1988” - Đại tá Lễ bắt đầu dòng hồi tưởng từ những tháng ngày tươi đẹp như thế.

Đại tá Vũ Huy Lễ ôn lại những kỷ niệm trong trận chiến Gạc Ma năm xưa cùng PV ANTĐ

Thực ra, từ cuối năm 1987, tình hình ngoài vùng biển Trường Sa trở nên căng thẳng khi Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến ra hoạt động tại đây. Trước Tết Nguyên đán Mậu Thìn năm 1988 đúng một tuần, Đại tá Lễ nhận lệnh đưa tàu HQ505 vận tải để chuyển hàng ra đảo Trường Sa và sau đó là đảo Đá Lớn.

Ngày 12-3-1988, ông nhận được chỉ thị từ cấp trên: Khẩn trương đưa tàu HQ 505 đến chốt giữ đảo Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) trước 18h cùng ngày. Trong đội hình có tàu HQ 604 đến chốt giữ đảo Gạc Ma. Yêu cầu: hải trình bí mật, bất ngờ, đúng thời gian, vị trí, xử lý tình huống chính xác khi địch ngăn chặn, cản đường, không để mắc mưu đối phương.

“Tôi còn nhớ như in lúc con tàu bắt đầu xuất phát là 12h30 ngày 13-3-1988. Và như vậy, nhiệm vụ cũng đã được phân công rất rõ, đó là HQ 505 sẽ đảm nhiệm việc xây dựng trên đảo Cô Lin, HQ 604 xây dựng đảo Gạc Ma, còn HQ 605 xây dựng đảo Len Đao. Đây là 3 hòn đảo nằm trong nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc cụm quần đảo Trường Sa của Việt Nam” - ông nói.

Trận chiến đấu quả cảm của những người anh hùng chính nghĩa

Đúng như dự đoán, suốt chuyến hành trình ấy cả 3 con tàu đều liên tiếp gặp sự “tiếp đón” cực kỳ khó chịu của các tàu chiến Trung Quốc. Đại tá Lễ nhớ lại: “Tàu của họ xuất hiện rất đông. Thái độ khiêu khích và thù địch thể hiện rõ mồn một. Cụ thể là tàu của tôi luôn bị vài chiếc thay nhau đeo bám. Đến khi phát hiện ra hướng đi có chủ đích của ta thì họ liên tục chạy cắt mũi HQ505 một cách cực kỳ nguy hiểm hoặc thả trôi phía trước để buộc chúng tôi phải chuyển hướng. Do đã quán triệt chỉ thị của cấp trên, anh em trên tàu HQ505 đều kiềm chế, chủ động vòng tránh. Đến chập tối 13-3-1988, tàu đã thả neo tại đảo Cô Lin”.

Tàu HQ-505

Thế nhưng căng thẳng vẫn chưa dừng lại. Đêm ấy, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của HQ505 với các tàu bạn và với sở chỉ huy bị tê liệt hoàn toàn. Các tàu Trung Quốc có lẽ đoán định được nhiệm vụ của HQ505 nên đã sử dụng trang thiết bị vượt trội để gây nhiễu phá toàn bộ sóng vô tuyến của con tàu. Đại tá Lễ cùng thủy thủ đoàn phải thức trắng đêm để bám sát tình hình, sẵn sàng tùy cơ ứng biến.

Đến rạng sáng 14-3, từ trên đài chỉ huy, Đại tá Lễ hướng ống nhòm về phía Gạc Ma và nhận thấy HQ604 đang thả neo, lượn lờ xung quanh nó với thái độ thù địch là 2 tàu pháo và 1 tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc. Thế rồi, bất ngờ hàng chục tiếng lục bục của pháo hạm vọng tới khiến ông choáng người. HQ604 bốc cháy ngùn ngụt và từ từ nghiêng dần - Trung Quốc đã nổ súng.

“Tim tôi muốn vỡ ra. Ai cũng biết HQ604 chỉ là tàu vận tải. Nó không được vũ trang để tham gia các cuộc hải chiến. Trong khi đó, tàu Trung Quốc toàn đại bác 88 ly và 100 ly. Còn đang lẫn lộn với những suy nghĩ thì chính tôi cũng giật mình bởi hàng loạt tiếng nổ gần đến đinh tai từ phía bánh lái của HQ505. Ở khoảng cách 2-3 hải lý, tàu Trung Quốc bắt đầu xoay nòng đại bác khai hỏa về phía chúng tôi”.

Đại tá Vũ Huy Lễ kể lại với phóng viên Truyền hình An ninh ATV của Báo An ninh Thủ đô về quyết định cảm tử đưa tàu HQ505 ủi bãi lên giữ đảo Cô Lin giữa vòng vây nhăm nhe đánh chiếm của tàu chiến đối phương

Sau vài cú rùng mình vì dính đạn, động cơ của HQ505 đã tê liệt. Gió mùa thổi mạnh khiến con tàu bắt đầu trôi dạt ra xa khỏi hòn đảo đang buông neo. Dưới boong tàu ầm ĩ tiếng báo cáo thiệt hại của thợ máy và thủy thủ về những vết đạn phá khiến nước biển ồ ạt tràn vào. Tình hình càng nguy cấp hơn khi trên boong xuất hiện những đám cháy lớn. Trong khi đó, tàu Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn.

Trước nguy cơ tàu chìm đang hiển hiện, Đại tá Lễ chỉ đạo thủy thủ sửa gấp máy bằng mọi giá, ông nói: “Nếu tàu chìm, chúng ta vừa hy sinh, vừa mất đảo. Vì thế, các đồng chí hãy hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Rất may sau đó, thủy thủ đã khắc phục xong sự cố, nhưng một bất ngờ nữa lại diễn ra, bánh lái con tàu đã không còn điều khiển được”.

Quyết định lịch sử

HQ 505 có hai chân vịt, Đại tá Lễ buộc phải cho 1 máy tiến, 1 máy lùi để xoay con tàu. Sau khi mũi đã hướng về đảo Cô Lin, ông hạ lệnh cho máy trưởng mở hết công suất động cơ rồi ủi thẳng vào bãi. Con tàu gầm lên những tiếng uất nghẹn, chân vịt cuộn tung sóng bạc lao lên đảo như một chú cá voi khổng lồ. Dưới mạn tàu có thể nghe thấy những tiếng động ghê rợn khi va vào đá ngầm.

Cú tăng tốc tối đa ấy đã đưa 2/3 thân tàu trườn lên bãi san hô và mắc cạn tại đó. Nó cũng án ngữ luôn lối vào duy nhất của hòn đảo. Vậy là HQ505 đã tự biến mình một lô cốt bằng sắt với hàng chục nòng súng AK sẵn sàng chống lại bất cứ cuộc đổ bộ trái phép nào.

Có lẽ cũng không ngờ với hành động “cảm tử” của HQ505, tàu Trung Quốc tỏ ra khá lúng túng. Sau khi nã thêm vài phát đại bác, những con tàu gây hấn bèn rút ra xa. Ngay lập tức, Đại tá Lễ cho hủy toàn bộ tài liệu quan trọng và hạ lệnh đổ bộ. Tất cả trang thiết bị, vũ khí được các chiến sỹ đưa lên đảo đóng chốt.

Một nhóm các chiến sỹ khác được lệnh thả xuồng cứu sinh bơi sang đảo Gạc Ma để tìm kiếm những thành viên sống sót của tàu HQ 604. Đến cuối ngày chiếc xuồng này đã vớt được tổng cộng 44 người gồm cả chiến sỹ đã hy sinh của tàu HQ604. Đêm hôm đó, tất cả các chiến sỹ của tàu HQ505 lại thức trắng để sẵn sàng chiến đấu.

Đại tá Vũ Huy Lễ cùng các thủy thủy của mình năm xưa (Ảnh tư liệu)

Ngày hôm sau, khi mọi liên lạc với sở chỉ huy đã trở lại bình thường, HQ505 nhận được sự tiếp cứu từ đất liền. Tất cả những thương binh, tử sỹ được đưa vào bờ, nhưng riêng Đại tá Lễ và 9 thủy thủ của HQ505 vẫn xung phong ở lại bám trụ trên con tàu để bảo vệ hòn đảo cho tới tận hơn 2 tháng sau mới trở về.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông bảo: “Hai tháng trên con tàu mắc cạn ở đảo Cô Lin là những ngày vô cùng căng thẳng. Tàu Trung Quốc liên tục lượn xung quanh rình rập với ý đồ chiếm đảo. Thậm chí chúng còn dùng loa ra rả gọi đích danh tên chúng tôi ra hàng và đe dọa sẽ pháo kích tiêu diệt. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nao núng. Tất cả 10 anh em lúc đó đều chung một suy nghĩ: Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết trên hòn đảo của Tổ quốc mình, như những đồng đội đã ngã xuống của tàu HQ604”.

Năm 1989, đích thân Tổng bí thư Đỗ Mười đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Vũ Huy Lễ cùng những danh hiệu cao quý khác cho thủy thủ tàu HQ505. Và mãi đến tháng 3-2014, Đại tá Lễ mới có dịp quay trở lại Trường Sa. Trong chuyến đi ấy ông vẫn nhắc lại câu nói mà ông cùng 9 đồng đội đã thề với nhau trên bong con tàu mắc cạn chốt giữ Cô Lin năm nào: “Bây giờ già rồi, nhưng nếu Tổ quốc cần, mình vẫn sẵn sàng cầm súng và chết cho biển đảo quê hương”. Tinh thần yêu nước và ý chí quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đến cùng, của Đại tá Lễ và những người đồng đội là tấm gương lay động thế hệ trẻ tiếp bước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.