20 năm Hà Nội nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình": Mỗi người dân là một sứ giả thân thiện, mến khách

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, cố đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội là một miền đất thiêng trong tim mỗi người dân Việt Nam. Vùng đất địa linh nhân kiệt ấy ngày càng được vun đắp thuận với lòng người, hòa hợp với đất trời...

Lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Ngoại giao, đại diện tổ chức UNESCO tham gia thả chim bồ câu mang thông điệp, khát vọng hòa bình, thịnh vượng của nhân dân Thủ đô.

7h sáng, bà Trần Thị Cậy (76 tuối, trú tại số 32 Hàng Bún) đã có mặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ để tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

“Tôi rất vinh dự được dự lễ kỷ niệm ý nghĩa này. Hà Nội sau 20 đổi thay quá lớn. Tôi rất xúc động và mong muốn mọi người cùng chung tay xây dựng mỗi gia đình, mỗi đường phố ngày càng đẹp hơn để xứng đáng với danh hiệu đặc biệt này” - bà Cậy nói.

20 năm trước, ngày 16/7/1999, người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng vinh dự, tự hào khi Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” tại Thủ đô La Paz, đất nước Bolivia. Cho đến hôm nay, chúng ta càng tự hào hơn khi Hà Nội là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được danh hiệu này.

Dù có đi bốn phương trời…

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau 20 năm với nhiều đổi thay, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Thủ đô Hà Nội hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc màu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.

Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng con người mới, phát triển văn hóa Thủ đô, các thiết chế văn hóa, mô hình văn hóa tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở được nâng cao; việc xây dựng nếp sống văn hóa gia đình; xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và ngày càng đi vào chiều sâu.

Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị, chuẩn mực tiêu biểu, đặc biệt là các di sản văn hóa được triển khai tích cực; nhiều giá trị truyền thống, tập quán tốt đẹp của văn hoá Thăng Long, văn hóa xứ Đoài được giữ gìn, phát huy.

Thành phố cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là một ưu tiên trong chính sách phát triển.

Giáo dục - đào tạo của Thủ đô tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu toàn quốc ở các tiêu chí. Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.

Lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Ngoại giao và đại diện UNESCO nhấn nút khai trương website “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Thành phố luôn giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững; Ưu tiên các chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là những nơi xa trung tâm,  điều kiện còn khó khăn.

“Trong niềm tự hào của một danh hiệu, thương hiệu thành phố, chúng ta kỳ vọng, mơ ước vào sự nỗ lực vì một thành phố hòa bình, một đất nước hoà bình, sẽ là thông điệp chuyển tải, là nhịp cầu nối với bạn bè quốc tế trong một mơ ước và những nỗ lực lớn hơn - vì một thế giới hòa bình, để nhân loại có tương lai tốt đẹp và bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đều có chung một cảm nhận như trong câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hoà bình…” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ nhiều cảm xúc trong buổi lễ

Một thành phố đặc biệt với  những con người đặc biệt

Tự hào, xúc động là cảm xúc chung của tất cả người dân Hà Nội hôm nay, và đặc biệt đó còn là những tình cảm của một con người đặc biệt.

Đó là ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO. Không những là người trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội 20 năm về trước, ông Firmin Edouard Matoko còn mang trong người nửa dòng máu của Việt Nam khi ông có mẹ là một phụ nữ Hà Nội chính gốc.

Theo ông Matoko, thật sự, thế giới không thể không chú ý, khi đầu năm nay, Hà Nội đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên.

Ngoài việc cung cấp một địa điểm thích hợp cho các cuộc thảo luận nói trên diễn ra, việc này khiến chúng ta nhìn về quá khứ và tự hỏi làm thế nào thành phố và đất nước đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức – đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng hòa bình và thịnh vượng có thể xuất hiện trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Lãnh đạo TP Hà Nội cùng các đại biểu cùng đi bộ vì hòa bình và tham dự Lễ hội đường phố “Trái tim hòa bình” 

Trong lần quay về Hà Nội đầy cảm xúc này, ngày hôm nay, theo ông Matoko, khi chúng ta nhìn vào Hà Nội, hai mươi năm sau khi được vinh danh, sẽ thấy Hà Nội không chỉ là một đô thị lớn hơn với dân số đông hơn mà đó là một thành phố mở cửa, một Thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế; phản ánh của một đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm.

“Tôi tin rằng, mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế và xã hội đáng kể, thành phố vẫn giữ được sự ấm áp và thân thiện. Sự tử tế có thể nhanh chóng được truyền tới cho du khách.

Ở đây, dù là vào năm 1999 hoặc 2019, đi bộ trên đường phố vẫn là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và hương vị để trải nghiệm.

Tất nhiên, điều tương tự cũng có thể xảy ra ở nhiều nơi, nhưng khi tất cả những điều này được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình, khi một thành phố quan tâm đến người dân và họ quan tâm đến nhau, nó trở thành một điều gì đó rất đặc biệt”, ông Matoko tâm sự.

Nụ cười thân thiện, trìu mến của người Hà Nội

Tầm nhìn sáng tạo cốt lõi

Tại buổi lễ, Hà Nội cũng khai trương website “Hà Nội - Thành phố sáng tạo". Đây là hoạt động nằm trong chương trình xây dựng hồ sơ đề cử Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, trong đó, trang web Hà Nội - Thành phố sáng tạo là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn cho thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, với những thành tựu trong 20 năm qua, bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hoá ngàn năm văn hiến, Hà Nội đang trình UNESCO xem xét Hồ sơ ứng cử để tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thông tin, việc lựa chọn tiêu chí “thiết kế”, thể hiện sự bao trùm và kết nối với 6 tiêu chí còn lại của thành phố sáng tạo, đã cho thấy tầm nhìn của Hà Nội trong việc biến sáng tạo và công nghiệp văn hóa thành cốt lõi của phát triển, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Người dân Hà Nội phấn khởi tự hào trong ngày TP kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình"

Ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO bày tỏ tin tưởng rằng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi vì đây là thành phần chính của văn hóa - và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa. Vì vậy, UNESCO đã tiếp tục làm việc với thành phố, không chỉ để thúc đẩy và bảo tồn lịch sử, mà còn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho một thời đại mới.

“UNESCO tin rằng, theo cách này, thành phố có thể duy trì sự tăng trưởng một cách bền vững, thu hút nhân tài cho thành phố, cung cấp việc làm cho giới trẻ và xây dựng Hà Nội như một Thủ đô sáng tạo. Có lẽ quan trọng nhất, đó là cách giữ gìn tình bạn ấm áp mà người Hà Nội dành cho nhau - và cho những người khác”, ông Matoko nói.