Tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội:
2 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn
(ANTĐ) - Ngày 25-2, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 6 kéo dài đến ngày 3-3 để cho ý kiến về 6 dự án Luật, Pháp lệnh và việc triển khai thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của UBTVQH.
Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử sáng 25-2, nhiều thành viên của UBTVQH khẳng định nhu cầu bức thiết của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt như hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, Luật Năng lượng nguyên tử sẽ mở đường cho sự ra đời của nhà máy điện hạt nhân trước năm 2020 tại Việt Nam. Tuy nhiên, UBTVQH lại chưa thống nhất ở phương thức lấy ý kiến nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp |
Trước đa số ý kiến về tính cần thiết phải có sự đồng thuận của nhân dân đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nên lấy ý kiến nhân dân thông qua HĐND cấp tỉnh, nơi xây dựng nhà máy, thay vì thông qua UBND như quy định của dự thảo.
Cũng trong ngày 25-2, UBTVQH đã thông qua kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của UBTVQH (trong tháng 3-2008). Thời gian dự kiến dành cho hoạt động chất vấn tại UBTVQH là 1 ngày và 90 phút cho mỗi người trả lời chất vấn.
Sáng 25-2, bên hành lang phiên họp thứ 6 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ và chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc chưa hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật thực tế là có. Trước đây, chương trình chỉ hoàn thành khoảng 60-70%, nhưng tỷ lệ hiện nay (như năm 2007) đã đạt tới 90% và số tồn đọng của khóa trước còn lại rất ít. Cũng theo ông Uông Chu Lưu, yêu cầu đầu tiên trong xây dựng luật vẫn là chất lượng. Tất nhiên, Quốc hội cố gắng đảm bảo số lượng để đạt được kế hoạch chương trình. Tuy vậy, luật có đi vào cuộc sống hay không, được nhân dân chấp nhận, đồng tình, có giải quyết được những vấn đề kinh tế, xã hội hay không mới là những vấn đề quyết định. “Nếu cứ chạy theo số lượng để có luật nhưng luật không đi vào cuộc sống thì không nên” - ông Uông Chu Lưu nói. |
Thành phần tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn là các vị đại biểu Quốc hội có chất vấn được lựa chọn chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH và các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tại phiên họp thứ 7, dự kiến, sẽ có 2 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trả lời chất vấn. Hiện tại đã có 21 chất vấn của các đại biểu Quốc hội được gửi đến.
Cũng theo ông Trần Đình Đàn, từ phiên họp thứ 8 trở đi, các phiên chất vấn của UBTVQH sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để các vị đại biểu Quốc hội theo dõi qua sóng phát thanh, truyền hình và nêu câu hỏi bổ sung nếu cần thiết.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH nhằm từng bước đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trở thành một sinh hoạt thường xuyên của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Thành Nam