10 triệu dân Hà Nội chỉ có... 20 xe cấp cứu 115 hoạt động

ANTD.VN - Ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trong số 21 xe cấp cứu của trung tâm hiện nay, chỉ còn 20 xe hoạt động được nhưng có tới 10 chiếc đã chạy trên 4 vạn cây số.

Quý I năm 2018, Trung tâm cấp cứu 115 của Hà Nội đã nhận cấp cứu tại nhà và vận chuyển hơn 10.000 người bị nạn đến các bệnh viện điều trị. Ngoài ra, trung tâm này còn thực hiện công tác khác như vận chuyển người lang thang, người tâm thần, đáp ứng y tế trong các trường hợp thảm họa, thiên tai, tai nạn…

“Dịch vụ cấp cứu trước bệnh viện ở các nước trên thế giới rất phát triển nhưng trong nước thì công tác này chưa được đầu tư xứng đáng và hiện gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thành cho biết.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội hoạt động trong tình trạng xuống cấp trang thiết bị, thiếu nhân lực

Đặc biệt, về trang thiết bị y tế, hiện chỉ có 21 xe cứu thương "cõng" 10 triệu người dân Thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần 100-150 xe với quy mô dân số như ở Hà Nội.

Trong buổi làm việc của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hà Nội chiều 31-5 về những khó khăn của Trung tâm cấp cứu 115, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Trung tâm 115 hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 7% các ca cấp cứu trên địa bàn thành phố.  

Bất cập nữa là trung tâm đặc biệt thiếu nhân viên y tế, y bác sĩ khi mức lương trung bình ở cơ sở này là 3,8 triệu đồng/tháng và tổng thu nhập là 6,8 triệu đồng/tháng. Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đang tìm các nguồn từ xã hội hóa để “cải thiện” đời sống cho cán bộ nhân viên với mức tăng thu nhập là 200.000 đồng/người/tháng.

Hơn nữa, các bác sĩ ở trung tâm này không được cấp giấy phép hành nghề vì không đủ điều kiện thực hành tại các bệnh viện có giường nội trú trong khi trung tâm này không có điều trị nội trú.

“Chưa kể công việc của cán bộ nhân viên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dễ bị tấn công trong môi trường cấp cứu trước bệnh viện, không được từ chối bất cứ trường hợp nào bao gồm cả người nhiễm lao, phong, HIV... Chúng tôi đã kiến nghị được cấp cơ chế đãi ngộ như những nhân viên điều trị lao, phong, HIV hiện đang được hưởng” – ông Thành nói.

Ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hoá xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết, có rất nhiều khó khăn của Trung tâm cấp cứu được phản ánh từ thực tế. “Lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, mong muốn tháo gỡ bất cập cho Trung tâm” – ông Cương nói.

Ông Trần Thế Cương cho biết, theo giám sát thực tế, Trung tâm 115 dù có rất nhiều cán bộ tâm huyết nhưng lương chỉ từ 3,4 đến 6,8 triệu đồng/năm là không xứng tầm với một cơ quan nhà nước của Thủ đô. Chưa kể các chế độ đãi ngộ khác cũng rất hạn chế.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính tới việc thiếu hụt nhân lực, khó tuyển bác sĩ, chưa kể là tình trạng bỏ việc hàng loạt như ở Trung tâm 115 của TP Hồ Chí Minh.

“Trung tâm cấp cứu 115 không chỉ có chức năng vận chuyển mà có chức năng sơ cứu ban đầu, một hoạt động rất quan trọng với tính mạng người bệnh. Với vị trí quan trọng này, tôi đề nghị Trung tâm có đề án tổng thể về hoạt động và phát triển của trung tâm để Ban Văn hóa xã hội có căn cứ đề xuất kiến nghị thành phố quan tâm giải quyết trong thời gian sớm nhất” – ông Cương nêu ý kiến.