10 nước ASEAN và 6 đối tác xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

ANTD.VN - Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Singapore, chiều 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ hai các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Hội nghị cấp cao liên quan.

10 nước ASEAN và 6 đối tác xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ảnh 1Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

“Đây là thời điểm để nỗ lực kết thúc đàm phán RCEP”

Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai các nước tham gia đàm phán RCEP, các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do với ASEAN bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã thông qua Tuyên bố chung về đàm phán Hiệp định RCEP, trong đó hoan nghênh tiến bộ quan trọng đạt được trong năm 2018 và khẳng định kết quả này đã đưa cuộc đàm phán đi vào giai đoạn cuối cùng.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán để đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư trong toàn khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trên toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những nỗ lực và kết quả mà đoàn đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt được trong năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng chống tự do thương mại đang nổi lên; cho rằng đây là thời điểm để nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định.

Để hướng tới kết thúc thành công đàm phán Hiệp định RCEP, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, linh hoạt phù hợp hướng tới mục tiêu chung; thúc đẩy xây dựng Hiệp định RCEP thực sự trở thành một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích, trong đó có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên. Thủ tướng cho rằng RCEP phải là một khuôn khổ hợp tác thúc đẩy thương mại, đầu tư, đem lại thịnh vượng chung cho toàn khu vực.

Sau hơn 5 năm, Hiệp định RCEP đã tổ chức 24 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ. Đến nay, quá trình đàm phán vẫn chưa thể kết thúc do một số nước chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Việt Nam nỗ lực cao nhất để nâng tầm quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản

Cùng ngày, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21 và kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, với tư cách là quốc gia điều phối, thay mặt các nước ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chính về quan hệ ASEAN - Nhật Bản. 

Thủ tướng nhận định quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh, đạt kết quả rất tích cực trên cả 3 trụ cột hợp tác vì hòa bình và an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư và hướng đến người dân. Nhật Bản là đối tác thương mại thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 tại ASEAN, đồng thời là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển ODA hàng đầu cho nhiều nước ASEAN.  Thủ tướng hoan nghênh Nhật Bản chia sẻ ý tưởng về thúc đẩy hợp tác kết nối hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất để nâng tầm quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai bên cũng như khu vực. 

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định coi trọng vai trò của ASEAN, nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực của ASEAN. Thủ tướng Abe thông báo về kế hoạch tổ chức Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2019 cũng như các sáng kiến hợp tác quan trọng khác. Thủ tướng Abe nhấn mạnh ASEAN và Nhật Bản cần nỗ lực đóng góp củng cố hệ thống thương mại đa phương tự do rộng mở, công bằng và dựa trên luật lệ. Thủ tướng Nhật Bản ghi nhận một số nước ASEAN, trong đó có Singapore, Việt Nam và Nhật Bản phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trông đợi sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).