Chính trị gia quốc tế: Không thể sử dụng vũ lực trên biển Đông

ANTĐ - Các tổ chức quốc tế và các chính trị gia hàng đầu thế giới đều lo ngại trước những căng thẳng hiện nay trên biển Đông, ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass (Nga) và hãng thông tin Prensa Latina (Cuba) ngày 11/7 cũng tuyên bố, thế giới trong thế kỷ 21 là một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết các vấn đề quốc tế, mọi mưu toan xây dựng khu vực an ninh riêng sẽ thất bại.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Hiện nay, yêu cầu đặc biệt quan trọng là thống nhất nỗ lực của toàn thể cộng đồng thế giới để đảm bảo an ninh bình đẳng và không thể tách rời, giải quyết bất kỳ tranh chấp trên cơ sở nguyên tắc pháp lý quốc tế, với vai trò điều phối trung tâm của Liên Hợp quốc".

* Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chiến lược và đa phương, Michael Fuchs, hôm 12/7 tuyên bố, hành vi "khiêu khích và đơn phương" của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về sự sẵn sàng tuân thủ luật quốc tế của nước này. 

Đồng thời ông cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng cần tự nguyện ngừng các hành động làm trầm trọng thêm tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. 

Phát biểu tại Hội thảo về biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức ở Washington, ông Fuchs tái khẳng định lập trường của Mỹ rằng Washington muốn ASEAN và Trung Quốc có "cuộc thảo luận thực chất" để thực thi lời kêu gọi tự kiềm chế như trong văn bản DOC năm 2002, hướng tới ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Ông Fuchs cho rằng, các bên cũng có thể làm rõ loại hành động nào là khiêu khích và hành động nào là nỗ lực duy trì sự hiện diện từ lâu, trước năm 2002 và việc duy trì hiện trạng sẽ giúp giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tiến trình đàm phán tiến đến COC.

Nghị sĩ Meir Sheetrit, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Israel-Việt Nam nói: Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc là một nước lớn, có sức mạnh và Trung Quốc không bao giờ quan tâm đến lợi ích của người khác. 

Việt Nam là một nước nhỏ nên đấu tranh mạnh thông qua các diễn đàn quốc tế như đưa vấn đề ra LHQ, đặc biệt là đưa ra Hội đồng Bảo an và Tòa án La Haye.  

Tuyên bố trên đước đưa ra tại cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Israel Tạ Duy Chính và được Đại sứ Việt Nam thông báo về tình hình biển Đông và trao các tài liệu của Việt Nam về vấn đề này. Là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng, ông Meir Sheetrit nói sẽ đưa vấn đề ra trao đổi tại Ủy ban và nếu Ủy ban có sự đồng thuận ông sẽ gặp Đại sứ quán Trung Quốc để nêu ý kiến.

Hội đồng Nghị viện Tổ chức Pháp ngữ (APF) vừa thông qua Nghị quyết kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh tại biển Đông. 

Nghị quyết của APF bày tỏ lo ngại trước những căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực mà Việt Nam khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

APF cho rằng, tình trạng căng thẳng này có thể đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và an ninh của các tuyến đường hàng hải và hàng không trên biển Đông. 

APF ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế, ủng hộ đề nghị đàm phán của Việt Nam gửi đến Trung Quốc và kêu gọi các bên kiềm chế.

APF kêu gọi các bên liên quan không làm phức tạp thêm tình hình, tránh việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia ký kết.

APF cũng ủng hộ Việt Nam và các quốc gia khác khác có liên quan trong việc hành xử một cách hòa bình và những sáng kiến của Cộng đồng Pháp ngữ nhằm khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực. 

APF cũng đề nghị Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng góp vào việc giải quyết toàn diện cuộc tranh cãi, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nhanh chóng tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Nghị quyết của APF kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng Pháp ngữ, thể hiện đoàn kết để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được tôn trọng và hòa bình, an ninh được đảm bảo, đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên của Tổ chức Pháp ngữ hành động một cách phối hợp và đề xuất sáng kiến để góp phần giải quyết căng thẳng hiện nay tại biển Đông.

Trước đó, ngày 10/7, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Quý Dương, miền Nam Trung Quốc, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov cho rằng, việc thành lập liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc là điều không thể.

Tuyên bố mới nhất của phía Nga có lẽ sẽ khiến Trung Quốc hẫng hụt. Trong thời gian qua, Trung Quốc đang cố gắng kết thân với Nga, đặc biệt Trung Quốc vừa đem lại cho Nga bản hợp đồng năng lượng trị giá 400 tỷ USD, chưa kể các hợp đồng vũ khí công nghệ khác, mà mới nhất là lô chiến đấu cơ Su-35. Ngay cả trong vấn đề Ukraine, Trung Quốc cũng giữ lập trường trung lập, không gia nhập vào hàng ngũ các nước trừng phạt Nga.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc liên tục tung hô mối quan hệ Trung-Nga, thậm chí cho rằng Trung Quốc là đồng minh không hiệp ước của Nga và vị thế an ninh của Trung Quốc nhờ mối quan hệ này mà gia tăng mạnh mẽ.

Nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự châu Á xuất phát từ những căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ leo thang, trong đó có vai trò lớn từ sự bành trướng của Trung Quốc đã và đang được nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo. 

Thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chứng kiến sự bắt tay nhau hợp tác giữa các nước nhằm đối phó lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.

Mới đây nhất, Nhật Bản đã có một bước ngoặt lịch sử có thể thay đổi bàn cờ châu Á khi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp, để cho phép lực lượng vũ trang giúp các đồng minh trong một số hoàn cảnh cụ thể. Tokyo tuyên bố sự thay đổi này là cần thiết, giúp đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.

Đây là một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách an ninh kể từ khi Nhật Bản thiết lập lực lượng phòng vệ thời hậu Thế chiến II cách đây 60 năm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi gắn với các diễn biến mới đây tại biển Đông và Hoa Đông, nơi nhiều nước đang phải đối phó với tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng của Trung Quốc qua việc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng như căng thẳng hiện nay trên biển Đông khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngay sau quyết định mang tính lịch sử, Nhật Bản tiếp tục có động thái nhằm cụ thể hóa quyền phòng vệ tập thể và tất nhiên, không gì dễ dàng bằng việc chọn đồng minh thân cận nhất là nước Mỹ. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc ban hành luật mới về hợp tác Mỹ-Nhật toàn diện, trong đó có cả phương án đối phó như thế nào trong trường hợp bán đảo Triều Tiên rơi vào một cuộc chiến hay xung đột có thể xảy ra tại hai biển Hoa Đông và biển Đông.