Chính thức đưa vấn đề cai nghiện bắt buộc vào Nghị quyết

ANTĐ - Chiều 10-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Đáng chú ý, vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua về việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được Quốc hội đưa vào nội dung của Nghị quyết này.

Chính thức đưa vấn đề cai nghiện bắt buộc vào Nghị quyết ảnh 1Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết về kinh tế xã hội năm 2015. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Trước đó, trong cuộc họp về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai do Chính phủ tổ chức đầu tháng 11 này, báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tình trạng nghiện ma túy hiện vẫn diễn biến phức tạp, số người tái nghiện chiếm tỷ lệ cao..., 3 tỉnh/ thành có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý cao nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội và Sơn La. Lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn của công tác cai nghiện và quản lý sau cai, nhất là vướng mắc về thực hiện quy trình, thủ tục cai nghiện ma túy bắt buộc. 

Ngày 7-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký tờ trình gửi Quốc hội về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cơ bản thống nhất với phương án Chính phủ đề xuất về việc cho phép thí điểm thành lập Trung tâm tiếp nhận người nghiện để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong khi chờ lập hồ sơ  để tòa án ban hành quyết định đưa vào cai nghiện tập trung. Các trung tâm này sẽ thay cho vai trò của các tổ chức xã hội. 

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 chiều 10-11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính đến 9h30 sáng cùng ngày, đã có 286 ĐBQH có ý kiến về Tờ trình 772/TTr-UBTVQH13 ngày 9-11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó, 280 ý kiến đồng tình đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. 

Với 445/446 đại biểu tán thành khi biểu quyết tại hội trường chiều 10-11, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 đã chính thức được thông qua. Trong đó, nội dung về vấn đề cai nghiện nói trên đã được lồng ghép vào trong nhóm giải pháp thứ 5 mà Nghị quyết đưa ra. Cụ thể, ở nhóm giải pháp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; Đặc biệt phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan, xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian này, phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật. 

Cũng trong chiều 10-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước 2015.

Các chỉ tiêu kinh tế xã hội 2015
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. 
- Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.
- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. 
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. 
- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. 
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%. 
- Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính trạm y tế xã) đạt 23,5 giường... 

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP.HCM: Khó mấy cũng phải làm

Hiện tại, TP.HCM có khoảng 19.000 người nghiện nhưng đây chỉ là con số đang quản lý về mặt hồ sơ, còn con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Chính quyền TP.HCM đặt mục tiêu đến trước Tết nguyên đán tới đây phải cơ bản đưa được các đối tượng nghiện không nơi ở cố định vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Đây là áp lực rất lớn, song nếu không giải quyết được vấn đề này thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, trật tự xã hội của thành phố, ảnh hưởng đến người dân, tác động đến du lịch… 

Có thể nói, không riêng TP.HCM mà đây là vấn đề bắt buộc phải làm với các địa phương khác, vì thế khó mấy cũng phải làm. Và để làm được thì cần có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở mỗi địa phương.

ĐBQH Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Khẩn trương nhưng phải thận trọng, đảm bảo an toàn

Việc Quốc hội lồng ghép vấn đề đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc vào Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của các ĐBQH.

Từ đầu năm đến nay, việc đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc thực sự rất khó khăn. Có 2 vướng mắc chính, thứ nhất là trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định rõ tổ chức xã hội tiếp nhận người nghiện là tổ chức nào. Thứ hai, quá trình làm hồ sơ tổ chức cho người nghiện đi cai nghiện phải mất tới 37 ngày như luật quy định là khá dài, bất hợp lý. Vì vậy, phải cho phép thành lập Trung tâm tiếp nhận xã hội, để các trung tâm này vận hành một thời gian sau đó đánh giá, nếu trung tâm hoạt động tốt thì có thể xem xét cho trung tâm này vận hành thay thế các tổ chức xã hội tiếp nhận người nghiện như quy định hiện hành. Tôi cũng mong muốn việc quản lý, làm thủ tục, lập hồ sơ để đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn.

Hiện TP.HCM, Đà Nẵng đã chuẩn bị kỹ, có các điều kiện thực hiện tốt chính sách này, các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tùy theo điều kiện của mình. Chính phủ phải nhanh chóng có hướng dẫn các địa phương thực hiện cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo thông suốt. Nơi nào đủ điều kiện làm trước, chưa đủ điều kiện chuẩn bị tiếp để làm sau. Chúng ta cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng, phải đảm bảo an toàn cho người nghiện ma túy và dân thường.