Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đủ hấp dẫn DN

ANTD.VN - Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nhận định: Các chính sách khuyến khích về nông nghiệp, nông thôn chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp. Vì thế, chủ trương đúng, áp dụng nhiều năm, nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư còn rất hạn chế.

Chưa khắc phục được hậu quả, kiên quyết chưa cho Formosa hoạt động

Phát biểu tại hội trường ngày 2-11, Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình) đánh giá hành vi xả thải của Formosa là vi phạm pháp luật. Ông Thuật nói: “Vừa qua, Chính phủ đã rất khẩn trương trong việc đền bù, bồi thường, cử tri rất biết ơn. Tuy nhiên cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm có các giải pháp cứu giúp các doanh nghiệp du lịch, cân nhắc đền bù thỏa đáng cho người dân bị thiệt hại trong vụ việc”.

Ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Trần Công Thuật nói: “Cử tri và nhân dân muốn biết: nếu nhà máy Formosa xả thải lỏng thì kiểm soát thế nào, nếu chất thải rắn thì xử lý thế nào, chôn lấp ở đâu? Tất cả phải rõ ràng, có cơ sở khoa học và nhận sự đồng thuận chân thành, trách nhiệm cao của các cơ quan Nhà nước. Cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được hậu quả thì kiên quyết chưa cho Formosa hoạt động”.

Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao

Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường trong phiên họp Quốc hội hôm nay (2-11), đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, hai bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đều có một điểm chung là rất tham vọng.

Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao, theo ông Lộc là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ luỵ như lạm phát, nợ công và nợ xấu… mà cho đến nay chưa giải quyết xong.

“Chúng ta chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, đồng thời cố gắng bảo đảm cải thiện chất lượng tăng trưởng”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn, chứ không đưa ra những mục tiêu quá cao để phấn đấu, hay các mục tiêu quá thấp để dễ dàng vượt qua.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao dễ dẫn đến nhiều hệ lụy

Người nông dân đang lúng túng

Đề cập về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho đây là vấn đề lớn liên quan tới đời sống hơn 50% dân số cả nước. Các chính sách khuyến khích về nông nghiệp đầu tư nông thôn chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp nên chủ trương dù đúng, áp dụng nhiều năm nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, việc định hướng phát triển các sản phẩm chủ yếu cho nông nghiệp để xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đang bị bỏ ngỏ. Theo đại biểu Lưu Thành Công, công tác quy hoạch còn chậm, chưa xác thực khiến người nông dân lúng túng, mâu thuẫn lợi ích trong quá trình sản xuất.

Ông Công dẫn chứng: “Trong cùng một vùng, những người nông dân có điều kiện thì nuôi tôm, người không điều kiện thì trồng lúa. Người nuôi tôm thì đưa nước mặn vào ruộng làm lúa chết, người trồng lúa thì sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu làm tôm chết. Mâu thuẫn, xô xát lẫn nhau làm thiệt hại tài sản, tính mạng, mất tình làng nghĩa xóm”.

Từ đó, đại biểu Lưu Thành Công kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu khắc phục bất hợp lý trong đầu tư công cho nông nghiệp, sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho người nông dân, chưa thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển, đồng thời bố trí nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp phù hợp với chiến lược tái cơ cấu, hiện đại hóa nền nông nghiệp, sửa đổi các cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư hướng vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế.