Chính sách hưu trí thay đổi thế nào khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tuổi hưởng trợ cấp hưu trí hạ xuống còn 75, giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu hàng tháng; tăng tỷ lệ hưởng lương hưu với lao động nam... là những điểm mới được đánh giá là ưu việt hơn trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Mở rộng quyền lợi cho người tham gia muộn

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là một dự án luật được đánh giá là khó, tác động lớn đến đời sống của người dân và các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng

Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng

So với Luật hiện hành, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã cơ bản thể chế hóa các chỉ đạo, quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; hướng tới xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến bộ, tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế. Một trong những nội dung được quan tâm nhất là việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu. Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, từ ngày 1-7-2025, để hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Trước đó, trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua khảo sát thực tiễn, một trong những nguyên ngân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu (20 năm) quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần. Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng và trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ bảo hiểm xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng bảo hiểm y tế khi về già.

Điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm

Điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội

Bên cạnh việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, một chính sách lớn được chờ đợi đó là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong khi đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Một trong những nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương đã xác định xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Với thiết kế tại Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội biểu quyết thông qua, đã thể chế hoá được nội dung cải cách nêu trên. Và cũng thể hiện được sự liên kết, linh hoạt giữa các tầng, sự hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung Chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ), hoặc người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, và đáp ứng đủ điều kiện quy định, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Đồng thời, tại Luật sửa đổi đã có quy định, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Đáng chú ý, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng còn được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng, theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

Thêm quyền lợi trợ cấp một lần

Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.

Liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Bên cạnh đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.