Chính sách chạy theo doanh nghiệp

ANTĐ - Tháng 4-2011, giá đường thế giới hạ thấp, giá đường trong nước vẫn ở mức cao, các DN sản xuất lo ngại ảnh hưởng việc tiêu thụ, đến lợi nhuận, đã kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ dừng nhập khẩu 126.000 tấn đường, với lý do, lượng đường tồn kho còn nhiều, dừng nhập khẩu đường để giúp nông dân trồng mía có lợi. Nhiều cuộc họp về đường đã được triệu tập.

Tại bất cứ cuộc họp nào, các DN sản xuất mía đường cũng đưa ra những lý do rất nhân văn là vì người trồng mía, không nhập khẩu đường để giúp bà con bán mía với giá cao, có điều kiện tái sản xuất. Nông dân vô tình trở thành bình phong cho các DN. Nhưng, không biết có phải vì lợi ích của các DN sản xuất mía đường dành cho nông dân quá lớn hay không mà diện tích trồng mía ngày càng bị thu hẹp. Một số người đã e ngại, nếu lợi nhuận không được đảm bảo, diện tích mía sẽ tiếp tục bị thu hẹp, kéo theo đó, lượng đường thiếu hụt sẽ càng lớn.

Và rút cuộc, kiến nghị dừng nhập khẩu đường cũng được chấp thuận. Lý do nghe có vẻ vì người nông dân, song thực chất, đều vì lợi ích của các DN. Khi lãi suất ngân hàng cao, khi giá đường thế giới thấp hơn đường trong nước quá nhiều, thì nhập khẩu sẽ làm giá đường trong nước hạ, DN sản xuất mía đường sẽ bị giảm bớt lợi nhuận.

Ngay thời điểm đó, nhiều người đã đặt vấn đề cho ngành mía đường, liệu các DN sản xuất trong nước có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng với giá phải chăng. Người đứng đầu hiệp hội mía đường đã khẳng định, sẽ không có việc các DN trong nước găm hàng, đẩy giá, và lượng đường tồn kho cùng với lượng đường sản xuất sẽ đủ đáp ứng tiêu dùng trong năm nay. Một thời gian dài, giá đường thế giới liên tiếp hạ thấp, thì người tiêu dùng trong nước vẫn phải dùng đường với giá cao ngất ngưởng.

Giờ đây, khi thấy tình hình cung - cầu đường có vẻ căng thẳng, nhất là từ nay tới cuối năm, nhu cầu dùng đường sẽ tăng mạnh, các DN sản xuất lo ngại cung trong nước không đáp ứng được, lại kiến nghị cho nhập khẩu đường. Nhưng hiện tại, giá đường thế giới đã tăng trở lại, đường trắng tăng ở mức kỷ lục do một số nước như Brazil, Ấn Độ giảm lượng bán ra. Như vậy, giá đường nhập khẩu cũng sẽ cao hơn nhiều so với thời điểm trước. Phần thua thiệt này tất nhiên sẽ đổ lên vai người tiêu dùng trong nước.

Sự linh hoạt trong điều hành là cần thiết, song cơ quan quản lý không thể “chiều” DN làm ảnh hưởng đến thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.