Lò gạch vẫn ngang nhiên nhả khói:

Chính quyền xã buông lỏng, quản lý kém!

(ANTĐ) - Khói mù trời cùng với mùi ngai ngái, nồng nồng đến tức ngực là những gì mà hàng chục lò gạch thủ công đang gây ra trên địa bàn thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến - “điểm nóng” về tình trạng đốt gạch thủ công của huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
 

Lò gạch sát khu dân cư đe dọa sức khỏe người dân

Trên bảo dưới không nghe

Hàng chục vỏ lò nằm trên hành lang sông Bùi đang ngày đêm nhả khói nghi ngút. Không khí lao động, sản xuất ở đây nhộn nhịp chẳng khác nào đại công trường. Không chỉ xây dựng vỏ lò trên hành lang sông, các chủ lò gạch ở Nhân Lý còn ngang nhiên đổ đất trong lòng dẫn sông, thậm chí nhiều hộ còn đưa cả máy múc công suất lớn nạo, vét đất từ lòng sông lên làm nguyên liệu. Dọc bờ đê, cây cối bị táp lá khô héo. Bà Nguyễn Thị Định, người lái đò tại bến đò Nhân Lý, bức xúc: “Mỗi khi các chủ lò gạch nổi lửa, các hộ dân sống gần đó chỉ có cách “đóng cửa” ở trong nhà. Đi làm đồng, chúng tôi phải trùm khăn kín mít. Dân cũng “kêu” nhiều, phản ánh lên xã, lên huyện nhưng việc đốt gạch không những không dừng lại mà còn gia tăng”. Phản ảnh với phóng viên, nhiều người dân thôn Nhân Lý bày tỏ nguyện vọng chính quyền địa phương sớm có biện pháp “xóa” những lò gạch thủ công này.

Thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ, trên địa bàn xã Nam Phương Tiến hiện còn 31 lò gạch thủ công, tất cả các lò đều ở thôn Nhân Lý, với công suất 60.000 viên/lần đốt. Dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương hoàn thành xóa bỏ lò gạch thủ công trước ngày

31-12-2010. Nhưng, ở xã Nam Phương Tiến, tháng 1-2011, 18 hợp đồng kinh tế vẫn được ký kết giữa chính quyền địa phương với các chủ lò, thời gian thực hiện hợp đồng 1 năm.

Cách thôn Nhân Lý không xa, tại xóm Vạn Tiên, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến tình trạng đốt gạch thủ công cũng diễn ra khá phổ biến. Trên đoạn đê hữu Bùi, chỉ khoảng 1,5km nhưng có tới hơn 20 vỏ lò gạch, trong đó nhiều lò đang “nhả” khói. Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Nguyễn Hữu Định khẳng định, trên địa bàn xã hiện còn 22 vỏ lò, nhưng chỉ có 3-4 lò hoạt động, số còn lại đã dừng vì hết nguyên liệu! Tại bờ hữu sông Bùi ở xóm Vạn Tiên, nhiều đống đất mới được người dân mua về để sản xuất gạch đổ ngổn ngang ngay trên mặt đê. Thực tế này, trái với những gì mà Phó Chủ tịch UBND xã thông tin.

Vì khó nên làm bừa?

Hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn còn 149 lò gạch, ngói thủ công đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã: Tốt Động 43 lò; Đông Phương Yên 30 lò; Nam Phương Tiến 31 lò… Đáng nói, nhiều xã không có hợp đồng khai thác đất đối với các chủ lò nhưng vẫn để các chủ lò ngang nhiên hoạt động như xã Thủy Xuân Tiên 9 lò; xã Tân Tiến 22 lò... Như vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội về xóa lò gạch thủ công ở Chương Mỹ đã không được thực hiện. Thậm chí, còn “bật đèn xanh” theo kiểu không ký hợp đồng nhưng vẫn làm ngơ cho đun đốt.

Theo ông Nguyễn Văn Lũy, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện  Chương  Mỹ, huyện đề ra mục tiêu “xóa” toàn bộ lò gạch, ngói thủ công không có phép, hết nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường, không nằm trong quy hoạch vùng sản xuất vật liệu xây dựng vào cuối năm 2011. Thực hiện chuyển đổi vỏ lò nằm trong vùng quy hoạch từ thủ công sang công nghệ mới không gây ô nhiễm môi trường, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, huyện cũng đề nghị TP hỗ trợ kinh phí, lực lượng, phương tiện để tháo dỡ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, cố tình chống đối; đề nghị ngân sách TP hỗ trợ 20 triệu đồng/lò gạch thủ công chuyển sang công nghệ mới và hỗ trợ kinh phí chuyển nghề cho lao động.