Chính quyền vào cuộc vụ cậu bé ăn cá sống như người rừng

ANTĐ - Những ngày vừa qua, người dân xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) lấy làm lạ khi phát hiện ra một cậu bé ăn mặc rách rưới như người tiền sử, tóc dài và rất sợ hãi khi nhìn thấy người lạ. Cứ hễ nhìn thấy người lạ là cậu bỏ chạy một mạch và hú hét ầm ĩ như muốn nói điều gì đó nhưng không được.

Người mẹ của cậu bé

Mười năm sống như người rừng

Bắt cá sống ăn, thích leo trèo, chạy nhảy và thường cất tiếng hú khiến người khác rợn người, cậu bé 15 tuổi ở Huế được mọi người gọi là “người rừng” bởi lối sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Lần tìm mãi, chúng tôi mới tìm tới chốn nương thân của cậu bé này trong một ngôi nhà đổ sụp hoang tàn giữa thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền. Trên người cậu bé chỉ mặc có mỗi cái áo đã rách nát đến tội nghiệp, chiếc áo có lẽ chưa bao giờ được giặt nên loang lổ những vệt mồ hôi muối, chỉ còn phần áo phía sau lưng và trên cầu vai, còn phía trước ngực đã rách toạc và được cậu bện lại thành những sợi dây lòng thòng. Đặc biệt là cậu bé không mặc quần. Chiếc “quần” của cậu chỉ là những sợi dây bện lại quàng qua hông chẳng che được thứ cần che... Mái tóc dài, chân tay cáu bẩn bùn đất. Hàng ngày, cậu bé cứ la lết khu vực này đến khu vực khác với bộ dạng như thế, và hay hét, nhảy lóc cóc trong mỗi bước chân nhưng cậu bé rất nhanh nhẹn, nhiều lần người dân nơi đây muốn gần gũi cậu bé định hỏi han xem thế nào nhưng không được, vì chỉ cần thấy người lạ là cậu bỏ chạy một mạch. Đói khát, rách rưới là điều dễ nhận thấy khi chứng kiến cuộc sống của cậu bé “người rừng” sống lạc loài ngay giữa thôn làng ấy. Người dân nơi đây cho biết, họ vẫn thường xuyên thấy cậu bé này đi loanh quanh trong làng.

Ông Nguyễn Đoàn, 52 tuổi, người dân sống ở thôn Sư Lỗ nói: “Đã gần 10 năm nay tôi vẫn thấy cậu bé này lang thang ở đây như thế, nhiều lần tôi muốn gọi cậu bé lại để hỏi chuyện hay cho cái này cái nọ nhưng cứ thấy người lạ là bỏ chạy. Nhiều khi tôi thường phải để đồ ăn hay cái gì đó trên đường cậu bé thường qua, để lúc nào cậu bé này đi tới thì lấy. Không ít lần chính mắt tôi chứng kiến cậu bé này xuống sông bắt cá sống, cầm lên cười một lúc rồi nhai rau ráu và nuốt gọn con cá sống vào bụng. Hay những khi đêm khuya hoặc vào buổi trưa vắng vẻ khi mọi người đã ngủ thì cậu bé này lại trèo lơ lửng trên ngọn cây dừa hái quả để mang về nhà ăn. Có lúc thấy cậu bé hú lên một cách man dại như người rừng vậy. Nhìn bộ dạng cậu bé này như thế nên mọi người ở đây đều gọi cậu bé là “người rừng”. 

Cậu bé sống với mẹ và em trai trong một căn nhà đổ nát hoang tàn. Căn nhà tồi tàn này tồn tại cũng dễ đến mấy chục năm, nhưng cũng không phải là ngôi nhà của ba mẹ con cậu bé người rừng này mà trước kia đó là ngôi nhà hoang mà mẹ cậu bé trong lúc túng quẫn vì không có nơi sinh nở đã chọn làm điểm tá túc. Người mẹ tên là Nguyễn Thị Thanh Minh, chừng 45 tuổi. Cứ thế 15 năm qua ba mẹ con tá túc tại ngôi nhà hoang tạm bợ rách nát, những nhánh tre làm cửa chất thành lùm, cửa được khóa bởi những sợi dây thắt lưng quần, dây áo ẩn sâu trong cây cối bụi rậm và gần như tách biệt với phố xá bên ngoài. Trong ngôi nhà hoang tàn này không có điện, không nước. Những chiếc xoong nồi đã hoen ố, mốc rỉ để nấu ăn. Thức ăn cũng chỉ là rau dại, lá cây hay một vài loại hoa quả nào đó nấu hỗn độn trong một chiếc nồi không phân biệt được là món gì. Thế nhưng cả ba mẹ con đều ăn uống hết sức ngon lành. Người mẹ thường phải bán đi mái tóc dài để lấy tiền mua gạo. Nhưng không phải tháng nào cũng có tóc để bán nên họa hoằn lắm mới có gạo để ăn, còn thường xuyên ăn củ, lá là chính. Thịt cá thì tuyệt nhiên không có. Có lẽ chính vì đói và thèm quá nên cậu bé “người rừng” mới ra sông bắt cá sống để ăn một cách ngon lành như thế.

Cậu bé cũng không thích áo quần, chỉ mặc một chiếc áo đã rách nát và không cho ai đụng vào. Theo người dân, chiếc áo này cậu bé đã mặc được 5 năm. Ông Nguyễn Đoàn cho biết cậu bé biết nói tiếng người chỉ gần 1 năm trở lại đây, nhưng cũng chỉ bập bẹ vài từ. Ngôn ngữ chủ yếu của cậu là những tiếng hú rất hoang dại. Suốt hơn 10 năm qua, cậu bé khoảng 15 tuổi này đầu trần, chân đất sống khổ cực, thiếu thốn mọi thứ. Thấy người lạ là cậu bé bỏ chạy. Cậu thường lang thang suốt ngày để tìm kiếm thức ăn theo bản năng, đặc biệt là lá cây, cá sống. Mặc dù cậu bé sống theo bản năng hoang dã, nhưng người em thì phát triển bình thường. Họ không có hộ khẩu, 2 đứa trẻ này đều không có tên, không có giấy khai sinh, không biết chữ và không được học hành. Dù sống trong môi trường thiếu thốn đói khát và thường phải ăn sống mọi thứ như thế, nhưng ba mẹ con cậu bé này lại ít khi bị bệnh tật. Ông Nguyễn Ngọc Thành, trưởng thôn Sư Lỗ kể lại: “Đúng là cậu bé ấy ăn cá sống, sống cuộc sống ăn lông, ở lỗ thật. Cậu ta đi cả đêm, vừa đi vừa hú, những âm thanh phát ra nghe rợn cả người, thấy người lạ là bỏ chạy. Cháu sống không khác gì người rừng!”. Thấy hoàn cảnh khó khăn, mọi người trong thôn, xã thường hay giúp đỡ cho gạo, mì tôm để 3 mẹ con sống qua ngày.

Được biết trước đây chính quyền xã cũng nắm được trường hợp này, cũng đã có kế sách hỗ trợ gia đình mẹ con cậu bé nhưng vẫn “chưa thực hiện” được. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bà Minh không có người thân thích, tâm lý lại không ổn định và rất ít giao tiếp với bên ngoài, nên việc thực hiện các chính sách cho con cái là điều khó khăn. Về trường hợp này, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đến thăm tặng quà cho bà, nhưng mới dừng lại ở việc cấp sổ hộ nghèo cho gia đình bà, còn những chế độ khác, hộ khẩu, giấy khai sinh... họ vẫn chưa có, chưa được hỗ trợ gì vì thôn chưa báo cáo lên nên xã không nắm được. 

Chính quyền vào cuộc 

Theo người dân địa phương, bà Minh không chồng, có 3 con trai (1 bé đã mất) sống ở đây 10 năm trong căn nhà rách nát. Bà có tiền sử bệnh tâm thần, không hộ khẩu. Hai con trai của bà đều không có tên, không biết cha là ai. Con trai lớn năm nay 15 tuổi là cậu bé “người rừng”. Một thân một mình nuôi 2 đứa con trong cảnh rách rưới không có mặc, không có ăn, ngay cả giấy khai sinh, hộ khẩu cũng không có khiến cuộc sống của ba mẹ con như đứng bên lề của cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Dần, Phó giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Thật sự chúng tôi quá bất ngờ về trường hợp này, cũng không nghĩ xã để một trường hợp như thế này tồn tại suốt mấy năm qua, trong khi có người dân sống bên cạnh mà không hề báo cáo lên. Vốn 3 mẹ con đã bị anh em họ hàng bỏ rơi, thì xã hội phải có trách nhiệm cưu mang họ. Thậm chí nếu thấy họ quá khó khăn phải hỗ trợ khẩn cấp cho họ. Sau khi nắm được thông tin trên, Sở đã chỉ đạo ngay cán bộ xuống hiện trường kiểm tra hoàn cảnh này; đồng thời chỉ đạo Phòng LĐ- TB -XH huyện Phú Lộc tham mưu, đề xuất giải pháp để có chế độ hỗ trợ, giúp đỡ cho họ. Trước mắt, là giải quyết cho hai cháu về giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân; còn người mẹ thì phải đưa đi khám, kiểm tra xem có bị tâm thần và bị nặng hay nhẹ để có chế độ đúng theo quy định của Nhà nước. Sắp tới Sở sẽ có giải pháp trước mắt giúp gia đình này ít nhất có quyền công dân như bao người khác, cũng hy vọng sau bài báo có nhiều tấm lòng hảo tâm đồng hành giúp đỡ họ. Sẽ cố gắng giải quyết sớm cho các cháu!”, ông Dần nhấn mạnh.

Được biết, trong ngày 22-8-2014, chính quyền các cấp đã đến tận nơi để xem xét và hỗ trợ cho ba mẹ con cậu bé “người rừng” này. Nếu như người mẹ không còn khả năng nuôi dưỡng thì có thể đưa hai cậu bé 15 tuổi và 11 tuổi vào Trung tâm nuôi dưỡng xã hội. Vì vấn đề này liên quan đến nhiều ban ngành như công an, tư pháp và ngành lao động nên phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Lộc phải có trách nhiệm nghiên cứu các chế độ chính sách cho họ; đồng thời kiến nghị các ngành liên quan xem xét làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho 2 cháu trước; thậm chí nếu cậu bé người rừng có dấu hiệu về thần kinh thì cần tác động để đưa cháu đi chữa trị sớm hòa nhập cộng đồng.