Chính quyền địa phương phải vào cuộc

(ANTĐ) - Những ngày gần đây, trên nhiều đường phố Hà Nội tái diễn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng ra đường, Gạch, đất đá... chất thành đống cao án ngữ vỉa hè, lòng đường cản trở giao thông, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Ngăn chặn việc đổ phế thải xây dựng ra đường phố

Chính quyền địa phương phải vào cuộc

(ANTĐ) - Những ngày gần đây, trên nhiều đường phố Hà Nội tái diễn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng ra đường, Gạch, đất đá... chất thành đống cao án ngữ vỉa hè, lòng đường cản trở giao thông, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Hiện nay, khu vực đường Bưởi là nơi bị “xả” phế thải xây dựng nhiều nhất. Đây là tuyến đường giáp ranh giữa quận Ba Đình với quận Cầu Giấy. Chỉ trong hơn 1km đường từ điểm giao cắt với cầu T11 đến cầu Dịch Vọng đã có hơn chục đống đất đá phế thải xây dựng nằm ngổn ngang bên lề đường.

 Đặc biệt, ngày 19-6-2007, đoạn dốc từ đường Bưởi xuống cầu T11 dài khoảng 100m đã có 3 đống gạch đất đổ trộm. Khi đi từ cầu T11 lên đường Bưởi, các phương tiện lên dốc bị vướng phải những đống phế thải nên đã đi lấn sang phần đường của chiều xe xuống dốc. Đường hẹp nên đã xảy ra một số va chạm giữa các phương tiện. Đặc biệt, khi gạch đất phế thải gặp nước làm cho mặt đường trơn trượt, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Tốc độ đô thị hóa của thành phố ngày càng nhanh, nhu cầu xây dựng tăng nên phát sinh nhiều phế thải thừa. Do các chủ công trình muốn giảm bớt chi phí vận chuyển đất thải, phế thải vật liệu xây dựng nên đã thuê đủ loại đối tượng (xe thồ, xe ôtô ben...) vận chuyển. Các đối tượng này thường tìm những địa điểm gần công trình để giảm chi phí.

Phế thải bị đổ trộm tại dốc từ cầu T11 đến phường Bưởi
Phế thải bị đổ trộm tại dốc từ cầu T11 đến phường Bưởi
Phế thải bị đổ trộm tại dốc từ cầu T11 đến phường Bưởi

Vì lợi ích, các lái xe ngang nhiên vi phạm việc đổ phế thải không đúng nơi quy định. Việc đổ trộm phế thải xây dựng ra đường phố thường vào ban đêm vì vậy rất khó phát hiện. Để ngăn chặn xe đổ trộm phế thải, trên đường Bưởi đã có một đoạn dây thừng to buộc nối các cây xanh bên lề đường với nhau. Các lái xe không thể lùi vào lề đường bởi vướng các đoạn dây này, tuy vậy, tình trạng đổ trộm vẫn diễn ra. 

Hiện nguồn phế thải phát sinh chính từ các công trình xây dựng. Hầu hết các vụ vi phạm đều xuất phát từ các công trình xây dựng đơn lẻ của người dân. Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó ban Thanh tra GTCC Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay lực lượng thanh tra GTCC đã xử lý 7.353 vụ vi phạm về trật tự vệ sinh môi trường, tạm giữ 145 xe tải, phạt thành tiền gần 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, tình trạng đổ trộm vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội có phần gia tăng. Cũng theo ông Giáp, hiện số vụ vi phạm đổ phế thải ra đường phố rất nhiều nhưng lực lượng thanh tra lại quá mỏng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng tái phạm vẫn diễn ra phổ biến. Mỗi lỗi vi phạm hiện nay lực lượng thanh tra chỉ có thẩm quyền phạt từ 200.000 - 500.000 đồng.

Để ngăn chặn nạn đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định, ngoài hình thức xử phạt, chính quyền các địa phương cần có cơ chế quản lý, giám sát các công trình trên địa bàn. Cần bắt buộc chủ công trình xây dựng, sửa chữa và cải tạo nhà ký kết hợp đồng vận chuyển với các công ty môi trường... trong việc thu gom phế thải xây dựng. Khi đó, sẽ không còn phế thải để các xe thồ, xe tải... đổ trộm trên đường.

ĐĂNG KHOA