Chính quyền bất nhất, người dân chịu thiệt

ANTĐ - Được chính Chủ tịch UBND xã gia hạn hợp đồng thuê đất thêm 10 năm sau khi hợp đồng cũ hết hạn, nhưng hai ông Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Hinh trú tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất bỗng dưng bị chính quyền “đùng đùng” cho người tới cưỡng chế toàn bộ số cây trồng trên mảnh đất họ đang sử dụng…

Khu vực đất thuê của ông Hinh với xã Chàng Sơn


Phủ nhận tất cả

Năm 1992, Công ty Bạch Đằng (Bộ Công an) ký hợp đồng nạo vét đầm mương với xã Chàng Sơn (thực chất là thuê đất). Hai năm sau hợp đồng này được nhượng lại toàn bộ cho ông Nguyễn Văn Hòa. Cho tới khi hết hạn vào năm 2002 phần lớn diện tích đã được ông Hoà trao trả lại cho xã. Tuy nhiên đến tháng 5-2004, ông Hòa lại tiếp tục xin gia hạn hợp đồng và đã được chủ tịch xã lúc đó là ông Nguyễn Công Bằng đồng ý gia thời hạn 10 năm. Phần đất đã thuê, ông Hòa có quyền xây dựng cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thả cá, sinh lợi phù hợp với pháp luật hiện hành và đóng thuế cho nhà nước. Ông Hòa đã ủy quyền cho em trai mình là ông Nguyễn Văn Hinh toàn quyền sản xuất.

Tuy nhiên, ngày 4-8-2011 UBND xã Chàng Sơn do ông chủ tịch mới là Phí Đình Hưng bỗng dưng huy động người tới nhổ bỏ toàn bộ số cây trồng gồm  23 cây cau vua mà ông Hòa và ông Hinh đã trồng trên mảnh đất họ đang có quyền sử dụng.

Quan điểm của UBND xã Chàng Sơn là họ đã nhận được tin báo của người dân cho biết có người mang cây đến trồng tại khu lò gạch. Sau khi xác minh thấy đây là việc làm trái phép vì “trồng cây trên đất công” nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn với số cây không có người nhận (?!). Cụ thể là nhổ toàn bộ số cây cau mới trồng mang về UBND xã để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói ở đây là để thực hiện việc “cưỡng chế” này, UBND xã Chàng Sơn đã ra hàng loạt văn bản để hợp thức hóa việc làm của mình với tốc độ chóng mặt khiến người ta không khỏi nghi ngờ tính khách quan của chính quyền sở tại. Cụ thể là: biên bản vi phạm được lập lúc 8h15, kết thúc lúc 8h30 ngày 4-8-2011 thì quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm cũng được lập cùng ngày. Ngoài ra cũng trong ngày 4-8, UBND xã này còn ra tiếp 2 thông báo nữa khẳng định việc cưỡng chế nhổ 23 cây cau vua tiến hành vào lúc 8h20 ngày 4-8. Nếu căn cứ vào các văn bản này thì có nghĩa là biên bản chưa kịp lập xong thì việc cưỡng chế đã diễn ra.

Sẽ tiếp tục khiếu nại

Bức xúc vì những việc làm của UBND xã, ông Hinh đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất. Bản án của phiên tòa cho rằng: Khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm, ông Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn đã căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính được lập cùng ngày. Tuy nhiên biên bản hành chính đó lại được lập chưa đúng theo quy định của pháp luật, do đó dẫn tới việc ra quyết định thiếu sót về mặt thủ tục. Ngoài ra sau khi nhổ cây của người dân, ông chủ tịch Hưng đã không bảo quản số tài sản đó của người dân để chờ chủ sở hữu đến nhận. Ngay cả khi chủ sở hữu gửi đơn khiếu nại, ông Hưng cũng không lập biên bản giải quyết, không làm thủ tục giao lại số cây nói trên dẫn tới toàn bộ cây bị chết nên chủ tịch xã Chàng Sơn cũng có lỗi trong việc bảo quản tài sản cưỡng chế.

Tuy nhiên không rõ vì sao trong phiên tòa này, Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất lại có nhận định: “Việc ông Hinh trồng cây trên phần đất mà ông không được phép trồng là vi phạm” dẫn tới kết luận: “Mỗi bên chịu 1/2 lỗi”. Chính vì thế tòa tuyên bố mỗi bên chịu 1/2 thiệt hại (trong tổng số thiệt hại mà ông Hinh phải chịu) là gần 3 triệu đồng.

Tất nhiên, ông Hòa và ông Hinh không đồng ý với phán quyết này. Ông Hinh cho rằng đây là một “bản án lưỡng tính”. Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm cùng những văn bản khác liên quan được UBND xã Chàng Sơn lập sau khi đã thực hiện xong hành vi hành chính trái luật, bất cập về không gian, thời gian là trái quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, tòa cho rằng ông Hinh “trồng cây trên phần đất không được phép trồng” là nhận định không có căn cứ, vì rõ ràng phần đất này ông vẫn đang thuê và được người tiền nhiệm của ông Hưng là nguyên chủ tịch xã Chàng Sơn Nguyễn Công Bằng ký. Chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn cho tới khi nào trắng đen, phải trái được phân định rõ ràng - ông Hinh cho biết.