Chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh

ANTĐ - Rời Hà Nội vào một buổi sớm mùa đông mù sương tháng 12, chúng tôi hướng về Hà Giang với ước nguyện thực hiện cuộc hành trình Tây Côn Lĩnh. 4 ngày 3 đêm, chuyến đi là những phút giây dừng lại nơi đèo Cổng Trời, cánh cửa dẫn tới chân núi Tây Côn Lĩnh. Là phút tĩnh tại bên nhau để cảm nhận ý nghĩa của sự sống nơi biên cương tổ quốc. Là giây phút hiểm nguy cùng nhau cắt rừng, bạt núi đi tìm những khởi nguyên cuộc sống.

Tây Côn Lĩnh cung đường mù sương

Từ Km số 37 tới 34 trên đường về huyện lị Hoàng Su Phì là con đèo có tên Cổng Trời, đứng từ nơi đây phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ thấy được đỉnh Tây Côn Lĩnh. Là một trong những ngọn núi nằm trên khối núi thượng nguồn sông Chảy, với độ cao 2.419m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc và là một trong những đỉnh cao nhất Việt Nam. Vào những ngày quang đãng “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” hiện ra phô bày hết thảy vẻ đẹp mê hoặc tựa như bức tranh thủy mặc chỉ có trong những điển tích điển cố thi ca. Luyến tiếc chia xa nơi đắc địa này, chúng tôi tiến về thị trấn Vinh Quang khi trời sập tối.

Ngày thứ hai của cuộc hành trình, chúng tôi thẳng tiến trên cung đường Pố Lồ - Thàng Tín - Đản Ván, qua Đản Ván chừng dăm bảy cây số thì gặp một trại cá hồi. Chúng tôi xin nghỉ chân tại nhà anh Vu - chủ trại cá, mua mở hàng cho anh lứa cá đầu tiên. Anh rất hiếu khách, tự tay làm cá, khéo chẳng kém gì những đầu bếp siêu hạng dưới xuôi. Gỏi cá hồi được ăn với thứ lá của rừng rất đặc biệt, chua dịu nơi đầu lưỡi đưa đẩy vị giác, kèm với thứ mắc khén xay nhuyễn thay vì mù tạp quyện lại với nhau tạo thành món ăn thượng hạng. Có lẽ cũng nhờ bữa trưa ấy mà chúng tôi đủ sức vượt qua những trắc trở địa hình, những sợ hãi để tiếp tục chặng đường phía trước. 

Hôm sau, trời mù sương, chúng tôi tiến lên dãy núi thiêng của người dân tộc La Chí. Gọi là đường nhưng thực chất chỉ là lối đi rộng chừng 20cm với một bên là vách núi một bên là vực. Có nhiều đoạn bùn lầy tới độ bánh xe lún xuống vứt xe đó mà xe không đổ. Từ ngã ba biên giới chúng tôi bắt đầu băng qua vạt cỏ tranh sắc lẻm, vừa đi vừa phải dùng dao phạt cỏ mở đường. Càng tiến sâu vào trong rừng cây cối càng rậm rạp, có những thân cây đổ rạp chắn ngang đường phải khom người dắt xe chui qua. Nhưng không gì thử trí bằng việc men xe qua miệng vực, miệng hố sâu hoẳm. Đã không ít xe từng bị rơi xuống những hố đất lún phải bỏ xe lại lần ra bìa rừng nhờ đồng bào vào khiêng ra. Nghĩa địa Tây, đó là một khoảnh đất rộng và bằng phẳng duy nhất trên chặng đường xuyên rừng bạt núi ấy. Đứng từ đây, phóng tầm mắt ra xung quanh, từng lớp từng lớp mây trắng bồng bềnh quấn quyện vạn vật như thể chốn bồng lai tiên cảnh.