- Bộ trưởng Lương Tam Quang: Số vụ tội phạm về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, xử lý nhiều hơn 20,55%
- Bộ trưởng Lương Tam Quang: Mục tiêu bao trùm là giảm cung - giảm cầu ma túy, mang lại bình yên
Bộ Công an là Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Về Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Điều 6 dự thảo Luật quy định Bộ Công an là Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Việt Nam và Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm lập, gửi, tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án.
Về thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao, Điều 6 dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù hoặc người đại diện hợp pháp của người đó chỉ có quyền rút lại đơn xin chuyển giao trước khi quyết định tiếp nhận hoặc quyết định chuyển giao có hiệu lực. Đây là quy định mới so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP).
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình |
Về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân khu vực nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam của người được đề nghị chuyển giao hoặc người được đề nghị chuyển giao không thường trú tại Việt Nam thì Tòa án nhân dân khu vực nơi đặt trụ sở của Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam.
Về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận, chuyển giao khi có đủ các điều kiện:
Là công dân Việt Nam (trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) hoặc là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc nước nhận đồng ý tiếp nhận (trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài);
Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án phạt tù cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước chuyển giao (hoặc nước nhận);
Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là một năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể ít hơn một năm; Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật; Có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao (hoặc nước nhận); Có sự đồng ý của người được chuyển giao.
Về trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Việt Nam, dự thảo Luật quy định Bộ Công an có thể lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Quyđịnh mới về chuyển đổi hình phạt tù
Về trình tự, thủ tục xem xét quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định tương tự như trình tự, thủ tục xem xét quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, có hai điểm khác biệt giữa hai trình tự, thủ tục này là:
Việc xem xét quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài phải có mặt người đang chấp hành án phạt tù; Việc xem xét quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài không đặt ra vấn đề chuyển đổi hình phạt.
Về chuyển đổi hình phạt tù trong trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định về điều kiện, căn cứ, nguyên tắc chuyển đổi hình phạt tù.
Cụ thể, trường hợp hình phạt tù trong bản án, quyết định mà nước chuyển giao tuyên đối với người đang chấp hành án phạt tù không phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì phải chuyển đổi cho phù hợp. Việc chuyển đổi hình phạt tù phải căn cứ vào các tình tiết của vụ án được nêu trong bản án hoặc quyết định đã được nước chuyển giao tuyên. Hình phạt tù chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt tù mà nước chuyển giao đã tuyên về tính chất và thời hạn; không chuyển đổi hình phạt tù thành các hình phạt khác. Thời gian đã chấp hành án phạt tù ở nước chuyển giao được trừ vào thời hạn hình phạt tù tại Việt Nam. Người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận về Việt Nam không bị kết án lần thứ hai về tội phạm đã được tuyên trong bản án của nước chuyển giao.
Về tổ chức thi hành việc tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thi hành quyết định tiếp nhận có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Về điều khoản thi hành, quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2026 và thay thế Luật TTTP; các yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được lập hoặc tiếp nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng quy định của Luật TTTP.