Chính phủ tạo điều kiện cho các đô thị lớn được trông xe tạm dưới gầm cầu

ANTD.VN -Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời UBND TP Hà Nội về việc, không đồng ý với đề xuất tổ chức trông giữ xe tạm dưới một số gầm cầu để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân.

Theo Bộ GTVT, Bộ đã ban hành thông tư số 35/2017/TT-BGTVT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.

Trong đó, khoản 3, điều 1 của thông tư quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa theo quy định”.

Mặc dù đã có bãi trông giữ xe công cộng ở gầm cầu Vĩnh Tuy nhưng lái xe vẫn đỗ xe la liệt ngay chân dốc cầu Vĩnh Tuy xuống đường Minh Khai

 Bộ GTVT Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật giao thông đường bộ và Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật tại các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn.

Vì vậy, việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông gửi xe và sửa đổi một số điều của thông tư 35/2017/TT-BGTVT theo đề nghị của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ban hành ngày 19/2/2019 về tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, Thủ tướng Chính phủ đã nêu, UBND TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường tren cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe.

Như vậy, trong bối cảnh Hà Nội và các đô thị đang thiếu nghiêm trọng các điểm trông giữ xe hiện nay thì Nghị quyết 12 của Chính phủ đã tiếp tục tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các đô thị lớn.

Thực tế, trên địa bàn Hà Nội, tình trạng thiếu các điểm trông giữ xe đang khiến người dân phải gửi xe tại các điểm trông giữ không phép, để xe ở vỉa hè, lòng đường… dù biết không an toàn.

Anh Đặng Tất Thành ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Nếu giải tỏa điểm trông giữ xe ở gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (gần Bệnh viện Bạch Mai) thì người dân như chúng tôi mỗi lần ra vào viện không biết gửi xe ở đâu. Vì quanh khu vực này không hề có một bãi trông giữ xe công cộng nào”.

Cũng theo nhiều người dân, thì việc giải tỏa trông giữ xe dưới một số gầm cầu hiện nay đẩy người dân vào thế khó, thiếu điểm gửi xe, trong khi các vị trí gầm cầu này lại không được quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện cho các hoạt động mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mọc lên như gầm cầu Thanh Trì hiện nay.

Trước đó, UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ này nhằm cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023 để phục vụ nhu cầu giao dịch của các cơ quan, đơn vị và nhân dân, phục vụ các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của thành phố.

Bốn gầm cầu được UBND TP Hà Nội đề xuất gồm: gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, gầm cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu Chương Dương và gầm cầu vượt Mai Dịch.