Thủ tướng tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế:

Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến tâm huyết

ANTĐ - Sáng 25-3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành đã có buổi làm việc với hơn 30 nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế trong nước để tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách về lĩnh vực tài chính, tiền tệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển KT-XH đất nước. 

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội trong quý I-2012, năm 2011 và các năm trước là rất đáng trân trọng, đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, công tác an sinh xã hội vẫn luôn được đảm bảo.

Theo các nhà khoa học, các chuyên gia, mục tiêu tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội được Chính phủ đề ra trong năm 2012 là hết sức đúng đắn và phù hợp vào bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên để giữ lạm phát ở mức 1 con số và duy trì tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 cần một sự nỗ lực rất lớn.

Kim ngạch xuất khẩu quý I-2012 tăng là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn

Các chuyên gia góp ý kiến với Chính phủ

Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, điểm mấu chốt để duy trì được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 trước hết cần tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nhất là sản xuất công nghiệp, thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng hóa tồn kho.

Nhấn mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, quý I-2012 đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đặc biệt một số nền kinh tế lớn là thị trường xuất khẩu truyền thống của ta như Mỹ, EU bị suy giảm, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá và GS.TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục dành ưu tiên vốn tín dụng cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến.

Cùng quan điểm nêu trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Trần Du Lịch đề xuất cần đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đầu tư công nhằm đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát; hạn chế tình trạng phát triển các khu công nghiệp, các trường đại học một cách tràn lan; chú ý tới thị trường bất động sản trong thực hiện chính sách tiền tệ; chuyển một nền công nghiệp sản xuất gia công sang nền công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản  phẩm hàng hóa.

Trước những ý kiến xã hội liên quan đến các chính sách về thuế, phí còn đa chiều, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh việc xây dựng chính sách về thuế, phí phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo được tính hợp lý trong bối cảnh khó khăn. Các chính sách về thuế, phí trước hết phải tập trung theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế.

Cũng liên quan đến vấn đề về thuế, phí, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đề xuất Chính phủ tiếp tục có những biện pháp giảm gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp, xem xét kỹ khi đưa ra các khoản phí để doanh nghiệp yên tâm hơn trong đầu tư và dám vay vốn để đầu tư. Các khoản phí đề ra phải cân nhắc đến tính hiệu quả của tổng thể nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng cho rằng, những đề xuất, giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế là hết sức thiết thực, Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu và thiết thực này cho công tác chỉ đạo, điều hành của mình.

Với tinh thần bám mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2012 và các năm tiếp theo; tiếp tục đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.

Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến thanh khoản, lãi suất, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng, thị trường chứng khoán, các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả thị trường.