Chính phủ kiến tạo, tận tâm phục vụ doanh nghiệp

ANTD.VN - Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 quý đầu năm 2016, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2015), với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng (tăng 49,5%). 

Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 25,4%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động lại tăng tới 20,2% (so với mức giảm 0,9% của cùng kỳ năm 2014) và số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (dù giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước) vẫn còn tới 45.097 doanh nghiệp...

Qua đó cho thấy, chủ trương, chính sách và các giải pháp Nhà nước nhằm hỗ trợ, giảm tải đồng thời giảm gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng cho các doanh nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả tích cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và cần sự tận tâm hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ...

Doanh nghiệp lớn mạnh thì xã hội lành mạnh và đất nước hùng cường. Thực tiễn chứng tỏ, nền kinh tế hội nhập và phát triển thành công chỉ có thể dựa trên nền tảng thể chế quốc gia thân thiện, thuận lợi và an toàn cho kinh doanh; mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do của người dân; với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo, năng động và có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao, có tinh thần dân tộc và ý thức đoàn kết cộng đồng…

Một Nhà nước kiến tạo, thay vì bao biện, làm thay hay tìm cách tăng thêm quyền quản lý hoặc đầu tư cho mình, luôn biết xây dựng và củng cố truyền thống tôn trọng, tôn vinh và đặt niềm tin, trao quyền cho người dân và doanh nghiệp, nhất quán với chủ trương xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại, tận tâm lắng nghe tâm tư doanh nghiệp, nhận rõ bức xúc của doanh nghiệp và thực lòng tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, cải cách thủ tục hành chính hiệu quả hơn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng thương hiệu lớn; kiên quyết làm trong sạch bộ máy, khắc phục tình trạng lạm thu phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, hình sự hoá các quan hệ kinh tế, lối hành xử nhũng nhiễu, theo kiểu lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, tranh công, đổ lỗi và né tránh trách nhiệm,  tạo gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp; bảo đảm tiến độ và chất lượng các luật định và văn bản pháp lý do mình ban hành, loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp, khắc phục tính không rõ ràng, thiếu tương thích, thiếu định lượng, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề, cản trở quyền tự do kinh doanh và làm tăng rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp…

Tận tâm phục vụ doanh nghiệp, không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tiến bộ, ổn định, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ là nhiệm vụ cấp thiết của Nhà nước kiến tạo và cũng là kỳ vọng hàng đầu của cả cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên hành trình giải phóng sức sáng tạo và huy động hiệu quả những nguồn lực xã hội to lớn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia và doanh nghiệp phát triển không ngừng, góp phần phát triển đất nước…

Đó cũng chính là thông điệp chủ đạo của “Ngày Doanh nhân Việt Nam” 13-10!