Chính phủ Indonesia tăng cường các nỗ lực bảo vệ bệnh nhân tâm thần

ANTD.VN - Ủy ban nhân quyền quốc gia Indonesia cùng Đơn vị bảo vệ nạn nhân và nhân chứng là hai trong số các cơ quan được mở rộng quyền hạn giám sát, nhằm đảm bảo các trung tâm sức khỏe không vi phạm lệnh cấm của Chính phủ năm 1977 đối với “Pasung” (khái niệm miêu tả việc trói, xích, giam bệnh nhân trong phòng kín).

Xích, giam bệnh nhân tâm thần tuy là hành vi phạm pháp nhưng lại rất phổ biến tại Indonesia (Ảnh minh họa) 

600 bác sĩ tâm lý phục vụ cho dân số hơn 250 triệu người 

Trong một thỏa thuận được công bố vào đầu tháng 9-2019, các cơ quan sẽ được ủy nhiệm đi thanh tra định kỳ các cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần như các trung tâm chữa trị bằng đức tin tôn giáo, hay các viện tâm thần thuộc sở hữu tư nhân hoặc Nhà nước. Các cơ quan này sẽ có thẩm quyền quyết định trừng phạt và đóng cửa những cơ sở có hành vi trói, xích, giam bệnh nhân. 

Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), sự kỳ thị và thiếu hiểu biết từ cộng đồng khiến hàng nghìn người mắc khiếm khuyết tâm lý phải chịu đựng sự bạo hành thể về xác lẫn xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, họ còn bị cưỡng ép điều trị bằng các phương pháp trị liệu sốc điện, giam lỏng, cách ly và sử dụng các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn.

Một báo cáo của Tổ chức HRW từ năm 2016 đến nay đã nhấn mạnh một số hành vi bạo hành mà người mắc bệnh tâm thần phải đối mặt. Từ báo cáo này, Chính phủ Indonesia đã triển khai chương trình nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề sức khỏe tâm thần và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe. Chương trình này điều động các nhân viên chăm sóc sức khỏe đến các địa phương, nhằm thu thập thông tin về điều kiện sức khỏe tâm thần của từng hộ dân để đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà các hộ được nhận. Theo Tổ chức HRW, chương trình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng chăm sóc sức khỏe phát giác nhanh các trường hợp cơ sở y tế xích, giam bệnh nhân. 

Những hạn chế trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tâm thần tại Indonesia: 600 đến 800 bác sĩ tâm lý phục vụ cho dân số hơn 250 triệu người; 57.000 bệnh nhân tâm thần tại Indonesia đã bị buộc xích và giam trong các khu phòng kín ít nhất một lần trong đời; báo động mức độ vệ sinh của những viện tâm thần quá tải tại Indonesia; các bệnh nhân thường xuyên phải ăn, ngủ và đi vệ sinh tại cùng một chỗ. 

Kriti Sharma, một nhà nghiên cứu làm việc cho HRW với kinh nghiệm 5 năm tìm hiểu về vấn nạn xiềng xích bệnh nhân tại Indonesia, cho hay cô rất ủng hộ thỏa thuận mới này. “Xích, giam bệnh nhân tâm thần tuy là hành vi phạm pháp tại Indonesia nhưng lại rất phổ biến. Nhiều người bị xiềng xích, trói, giam vì thân nhân của họ không biết phải làm gì khác” - Kriti Sharma cho biết - “Chính phủ  Indonesia đã có những nỗ lực nghiêm túc nhằm đối phó với nạn xiềng xích bệnh nhân tâm thần kể từ báo cáo của chúng tôi. Nhưng với thiếu sót còn tồn đọng trong khâu giám sát, vẫn còn hàng nghìn người bị xích, giam trong các viện tâm thần trên cả nước”.  

Một số tín hiệu tích cực

Nói về sự quan trọng của thỏa thuận mới từ Chính phủ, Kriti Sharma nói thỏa thuận này cung cấp sự giám sát thường xuyên và độc lập đối với các viện tâm thần thuộc sở hữu tư nhân hoặc Nhà nước. Nếu các cơ quan giám sát có phát hiện được bất cứ dấu hiệu bạo hành nào, các nhà chức trách sẽ phải có hành động và giúp đỡ người mắc bệnh tâm thần có cuộc sống độc lập trong cộng đồng.  

Một người phụ nữ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần đã nói với HRW rằng bà bị xích đến 3 lần tại trung tâm phục hồi chức năng Yayasan Galuh tại thành phố Bekasi thuộc phía Tây tỉnh Java. “Tôi bị đánh đập bởi nhân viên và bị còng tay lại trong 1 tuần” - bà kể lại - “Tôi thậm chí còn không thể đi vệ sinh, tôi phải vệ sinh trong đó khi vẫn còn quần áo trên người”. 

Nhờ vào những chiến dịch nâng cao ý thức người dân, bao gồm công tác của các nhóm hoạt động địa phương như Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Indonesia, số lượng người mắc bệnh tâm thần bị xích, giam trong phòng kín đã giảm từ 18.800 trong năm 2016 xuống còn khoảng 12.800 vào tháng 7-2018, dựa theo dữ liệu Chính phủ cung cấp. 

Gần đây nhất vào tháng 10 năm ngoái, một người phụ nữ 52 tuổi đã được giải cứu bởi các nhân viên y tế sau một buổi thị sát các hộ dân. Bà đã bị nhốt trong phòng trong 5 năm tại Cijeruk, thành phố Bogor. Theo lời người em gái, bà đã không còn đi lại được nữa từ trước đó; gia đình phải cho bà một cái xô để vệ sinh cá nhân.