Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng

ANTD.VN - "Về tội danh tham nhũng tăng 57% số vụ, có 8 bị cáo bị tuyên án tử hình, chung thân, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng, 77.057m2 đất, đã thu hồi 329 triệu đồng, 314.000 USD và 3.700m2 đất, kê biên nhiều tài sản khác", Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay.

Sáng nay (6-11), Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, trước khi thảo luận nội dung này tại hội trường.

Theo báo cáo, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo trước Quốc hội

"Đã xác minh, phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Năm 2017 có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016. Tiến hành 6.845 cuộc thanh tra hành chính, thu hồi 46.268 tỷ đồng, 5.008 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trên 2.057 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ, 214 đối tượng", Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay. 

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, qua thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan tới tham nhũng, tăng 177% số vụ, 117% số vụ so với năm 2016.

Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can, tăng 60 vụ, 103 bị can so với cùng kỳ 2016. Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý, giải quyết  255 vụ, 574 bị can, trong đó án mới là 215 vụ, 527 bị can, đã giải quyết 222 vụ, 488 bị can, đạt tỷ lệ 86,6%, giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó truy tố 219 vụ, 481 bị can, chiếm 98,6% tổng số vụ án giải quyết. 

Về tội danh tham nhũng tăng 57% số vụ, có 8 bị cáo bị tuyên án tử hình, chung thân, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng, 77.057m2 đất, đã thu hồi 329 triệu đồng, 314.000 USD và 3.700m2 đất, kê biên nhiều tài sản khác.

Báo cáo cho biết, công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 đã đạt được nhiều kế quả tích cực trên nhiều mặt. Trong thời gian tới với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, khích lệ các thành tố tích cực trong phòng chống tham nhũng, nâng cao niềm tin của nhân dân.

Báo cáo thừa nhận, ý thức đạo đức công vụ của nhiều số cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ còn xảy ra; một bộ phận chính quyền còn vô cảm gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở nhiều cơ quan còn hình thức, kém hiệu quả; vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng còn thấp…

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ ra được cơ quan nào làm tốt, cơ quan nào chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng. Một số văn bản pháp luật chưa rõ ràng, dẫn đến chồng chéo hoặc chưa đủ mạnh để góp phần ngăn ngừa tham nhũng. Thậm chí một số văn bản chất lượng chưa cao, còn sơ hở, dễ bị lợi dụng để lợi ích nhóm tham nhũng.

Cùng với đó, hiệu quả công tác thanh tra, xử lý tham nhũng còn hạn chế, số vi phạm bi phát hiện còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Về kê khai tài sản thu nhập, kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm trong khi đó theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn nhiều trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra thời gian qua.

“Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2017 chỉ có 39 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong khi có tới 433 bị cáo bị xét xử về tội danh tham nhũng, hàng trăm nghìn người bị xử phạt hành chính. Nhiều cơ quan tổ chức cá nhân có sai phạm nhưng không bị hình thức xử lý kỷ luật nào”, bà Nga nhấn mạnh.