Chính biến tại Sudan, Algeria: Liệu có mùa xuân Ả Rập phiên bản 2.0?

ANTD.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Sudan, Awad Mohammed Ibn Ouf, ngày 11-4-2019 tuyên bố quân đội đã lật đổ, bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir. Trước đó, ngày 2-4, Quân đội Algeria cũng đã nổi dậy đoạt chính quyền, buộc Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika từ chức. Sau những biến động chính trị mới đây tại Lybia, Sudan và Algeria, liệu Mùa xuân Ả Rập có hồi sinh trở lại?

Algeria, Sudan nổi sóng: các Tổng thống lần lượt phải từ chức

Ngày 2-4-2019, các cuộc biểu tình công khai kéo dài đã buộc Tổng thống Algeria Bouteflika phải rời bỏ quyền lực. Theo đó, ông Bouteflika đã bị đông đảo người dân biểu tình phản đối khi công bố kế hoạch tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 5. Người dân Algeria tuyên bố muốn thay đổi thể chế chính trị thay vì vị Tổng thống 82 tuổi hiếm khi xuất hiện sau khi bị đột quỵ vào năm 2013.

Tiếp đó, Tổng thống Sudan al-Bashir ngày 11-4 đã đồng ý từ chức sau khi bị quân đội nước này bao vây, người biểu tình phản đối ông từ cuối năm 2018, kéo dài tới gần đây, liên quan đến các chính sách kinh tế khiến người dân chịu đựng giá cả leo thang.

Sau khi bị buộc từ chức, chưa rõ ông Bashir còn ở trong Dinh Tổng thống hay không. Theo nguồn tin từ kênh tin al-Hadath (trụ sở ở Dubai) tiết lộ, ông Omar al-Bashir đang bị quản thúc tại gia cùng với một số nhà lãnh đạo của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Người biểu tình Sudan tập trung trên đường phố thủ đô Khartoum sau khi Tổng thống nước này, ông Omar al-Bashir bị quân đội bắt giữ, ngày 11-4-2019 (Nguồn: AFP)

Ngoài việc lật đổ và bắt giữ Tổng thống, quân đội Sudan sẽ tiếp quản đất nước cho đến khi "một cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức". Bộ trưởng Quốc phòng Ibn Ouf cho biết, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong vòng 3 tháng tới. Thêm vào đó, quân đội Sudan cũng đình chỉ hiến pháp, đóng cửa biên giới và không phận, áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trong thời gian chờ tổ chức bầu cử, một hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ lãnh đạo đất nước.

Nhìn lại Mùa xuân Ả Rập 1.0

Trước đó, cuộc tấn công mở màn của Mùa xuân Ả Rập 1.0 là một loạt các cuộc biểu tình, nổi dậy của người dân ở Tunisia, diễn ra vào tháng 12-2010, sau đó lan rộng sang các nước Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc.

Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Nhiều yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối, bao gồm các cáo buộc tham nhũng chính phủ, các vi phạm nhân quyền và tình trạng đói nghèo cùng cực.

Biểu tình ở Algeria

Sự sụp đổ của các chế độ lâu đời ở Algeria và Sudan lần này tạo ra sự bất an cho các chế độ độc tài khác trong khu vực khi lo sợ các cuộc biểu tình tương tự, tác động mạnh đến thế giới Ả Rập và toàn khu vực Trung Đông.

Các cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài ở nhiều nước Ả Rập trước đó sử dụng hiệu quả truyền thông xã hội và sự tham gia của đông đảo thanh niên. Tương tự, tại Algeria và Sudan lần này, thanh niên cũng sử dụng tốt phương tiện truyền thông trong việc truyền bá thông điệp và kêu gọi biểu tình. 

Đặc biệt là phụ nữ, họ đóng vai trò quan trọng trong việc kích động người dân ra đường lật đổ chính quyền của Bouteflika và al-Bashir. Nhu cầu của giới đối với sự thay đổi giới lãnh đạo ở Algeria và ở Sudan có thể gây ra "phản ứng dây chuyền" ở các nước Ả Rập láng giềng qua đó, giúp hồi sinh phong trào Mùa xuân Ả Rập phiên bản 2.0. 

Một thế hệ mới, tiến tới Mùa xuân Ả Rập 2.0?

Gần một thập kỷ sau Mùa xuân Ả Rập đầu tiên, một thế hệ hoàn toàn mới đang đến ở các quốc gia Ả Rập/Trung Đông. 

Với những ký ức về các cuộc biểu tình và nổi dậy vẫn còn mới mẻ trong tâm trí họ, một câu hỏi quan trọng đang đặt ra với họ: "Dân chúng sẽ nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Bouteflika và al-Bashir nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ mới này thực hiện các cuộc nổi dậy tương tự chống lại các nhà cai trị khác ở các nước Ả Rập/Trung Đông? 

Những người biểu tình phản đối Tổng thống Algeria Bouteflika (Nguồn: QZ)

Chính phủ và người dân ở thế giới Ả Rập đã học được những bài học từ Mùa xuân Ả Rập đầu tiên và họ đang xem xét những phát triển gần đây thông qua lăng kính khởi nghiệp để định hình chính sách và phản ứng của họ. 

Theo đó, nhiều khả năng sự phát triển bạo loạn ở Algeria và Sudan có thể không gây ra phản ứng dây chuyền tương tự. Lý do chính là phần lớn cộng đồng quốc tế ủng hộ Mùa xuân Ả Rập đầu tiên trong một ý thức sai lầm về chiến thắng của chủ nghĩa Hồi giáo. Giờ đây, họ phản ứng thận trọng hơn đối với các cuộc nổi dậy tại khu vực. 

Phản ứng này của cộng đồng quốc tế cho thấy, họ cũng đã học được những bài học nhất định từ các sự kiện ở Syria, Libya, Yemen và Ai Cập. 

Mặc dù, người dân đã buộc phải thay đổi chế độ ở cả hai quốc gia nhưng những thay đổi này được kiểm soát hoặc chuyển đổi theo hiệp ước, trung gian bởi những người nắm giữ quyền lực thực sự, do đó cơ hội cho Mùa xuân Ả Rập 2.0 là rất thấp. 

Theo giới quan sát, các chủ thể quốc tế đang cẩn thận theo dõi những thay đổi và phát triển từ sự sụp đổ của chế độ Bouteflika và al-Bashir. 

Pháp và Italia lo ngại, sự ra đi của Bouteflika có thể tạo ra sự bất ổn trong toàn bộ khu vực Bắc Phi. Ngoài ra, chính sự bất ổn chính trị kéo dài ở Algeria có thể mang lại sự gia tăng trong cuộc di cư xuyên Địa Trung Hải vào châu Âu. 

Nga cũng đang theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Algeria và Sudan vì có thể có một số hậu quả địa chính trị ngắn hạn đối với Moscow, vốn rất muốn phát triển quan hệ quân sự và chính trị với cả hai nước này. 

Năm 2006, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Algeria. Trong chuyến thăm của Putin, Nga đã ký một số thỏa thuận mua bán vũ khí lớn với Algeria. 

Tháng 7-2018, Đại sứ Nga tại Algeria tiết lộ, Algeria đã mua gần 50% tổng doanh số bán vũ khí của Nga cho các đối tác châu Phi. 

Ngày 19-3-2019, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ mối quan ngại đối với các cuộc biểu tình rầm rộ ở Algeria, tuyên bố tình hình là một nỗ lực làm suy yếu sự ổn định chính trị của nước này. 

Mặc dù các chế độ lâu đời đã bị xóa khỏi Algeria và Sudan nhưng tình hình nội bộ hai nước vẫn còn bấp bênh. Chính quyền lâm thời tại hai quốc gia trên khẳng định, họ không muốn duy trì quyền lực trong thời gian dài và tương lai của các quốc gia sẽ do chính người dân quyết định. 

Nhưng đồng thời, các nhà lãnh đạo quân sự của cả hai nước đã cảnh báo người dân, sẽ không cho phép bất cứ ai phá hoại an ninh quốc gia. Điều này cho thấy, quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay lãnh đạo quân sự có ảnh hưởng và họ vẫn nắm giữ chìa khóa để phá vỡ bất kỳ thỏa thuận nào sẽ quyết định thiết lập chính trị trong tương lai ở Algeria và Sudan.