Chín nhóm giải pháp của Hà Nội để kéo giảm ùn tắc giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8-10 điểm ùn tắc giao thông.

Giai đoạn qua, Bộ GTVT và UBN TP Hà Nội đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều tuyến vành đai, cầu vượt lớn như đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, đường vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt...

Tuy vậy, có một thực tế, vào khung giờ cao điểm, nhiều tuyến đường của thành phố vẫn rơi vào ùn tắc cục bộ, nhất là vào những ngày mưa hoặc trời rét. Càng về cuối năm, tình hình ùn tắc giao thông càng diễn biến phức tạp hơn.

Nhiều tuyến đường, nút giao vừa mở nhưng đã xảy ra ùn tắc như nút giao Ngã Tư Sở- Trường Chinh.

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho rằng, diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, mới đạt khoảng 10,07% là một trong những nguyên nhân.

Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội bị ùn tắc cục bộ về cuối năm hoặc trời mưa rét

Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội bị ùn tắc cục bộ về cuối năm hoặc trời mưa rét

Trong khi đó theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị cần đạt 20-26%.

Thành phố hiện nay có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, với tốc độ tăng trưởng ôtô đạt 10,2%/năm; xe máy đạt 6,7%/năm, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông khiến cho nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn là điều khó tránh khỏi và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, qua rà soát, liên ngành đã xác định được các nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông hiện nay là do quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ cao gây ùn tắc; các điểm đang tổ chức thi công công trình giao thông; một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh dẫn đến tạo thành các nút cổ chai; xảy ra sự cố giao thông trên các tuyến đường giao thông có mật độ cao.

Thậm chí, một số tuyến phố giao cắt với các ngõ nhỏ, tuyến phố có nhiều đường ngang giao cắt dễ gây ùn tắc; ảnh hưởng của thời tiết khi mưa, bão gây ra tình trạng úng ngập cục bộ trên đường; các khu vực trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người cũng dễ ùn tắc vào giờ cao điểm; do tình trạng vi phạm Luật Giao thông đi sai làn, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, đi điền vào chỗ trống, dừng đỗ xe trái quy định... dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8-10 điểm ùn tắc. Đáng lưu ý, trong 26 điểm ùn tắc còn lại từ năm 2020, Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu xử lý nhiều điểm ùn tắc nghiêm trọng như Phùng Chí Kiên-Hoàng Quốc Việt; nút giao 361-Nguyễn Khang; điểm quay đầu Trung Văn-Tố Hữu; đường vành đai 3 đoạn nút giao Big C; nút giao Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ; Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng vừa đề xuất UBND TP Hà Nội 9 nhóm giải pháp gồm xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông;

Xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên; xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút; tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông.

Liên ngành cũng sẽ tăng cường lực lượng phân luồng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại vị trí các nút giao, trong đó phân công rõ nút giao thuộc trách nhiệm của UBND cấp quận, phường...

Ngoài ra, Hà Nội và Bộ GTVT cam kết triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trong kế hoạch năm 2021, phấn đấu hoàn thành 38/91 công trình, đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,35% trở lên.

Đưa vào vận hành 2 dự án giao thông lớn là nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dự án cải tạo, sửa chữa cầu Thăng Long; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, đường vành đai 1, vành đai 2 và vành đai 4 hay vành đai 5.

Hà Nội cũng phối hợp với Bộ GTVT đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 17-18% nhu cầu đi lại của người dân.