Chìm trong cơn mộng mị

ANTĐ - 5 năm trước, sau khi ĐT Việt Nam lập “kỳ tích” vào đến tứ kết Asian Cup 2007, TTK VFF khi ấy là ông Trần Quốc Tuấn, khi được hỏi về mục tiêu tiếp theo của bóng đá Việt Nam, đã hùng hồn tuyên bố trong 10 đến 18 năm tới sẽ có mặt ở… World Cup!

ĐT Việt Nam (bên phải) không mạnh như nhiều người nghĩ

Tự phụ - căn bệnh kinh niên

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh từng có nhận xét rất xác đáng: “Bóng đá Việt Nam trong bao năm qua vẫn luôn lẹt đẹt bởi chúng ta không những không có một định hướng rõ ràng, mà còn mắc bệnh tự phụ. Một chút thành công như ở Asian Cup 2007, hay chức vô địch AFF Cup 2008 đã khiến căn bệnh ấy trở nên trầm kha, để rồi cứ thế chìm trong cơn mộng mị”. Từ thời điểm đăng quang ở AFF Cup 4 năm trước, cho đến khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng lầm lũi đặt chân xuống sân bay Nội Bài sau những ngày đáng quên ở Bangkok hôm 1-12, rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn cứ băn khoăn với câu hỏi “Bóng đá Việt Nam đang ở đâu?”. Quả thật, ngay cả những quan chức cao nhất của Liên đoàn, những người lẽ ra phải hoạch định lộ trình chi tiết và đầy đủ nhất cho nền bóng đá nước nhà, vẫn còn đang lúng túng tìm hướng đi, thì biết tìm đâu một câu trả lời thích đáng.

Còn nhớ, sau thành công mà người ta cho là kỳ tích ở Asian Cup 2007, TTK VFF khi ấy là ông Trần Quốc Tuấn đã tuyên bố mục tiêu của ĐT Việt Nam trong 10 đến 18 năm tới là lọt vào World Cup. Ở thời điểm ấy, nó đã khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà được đưa lên mây xanh, khiến cho căn bệnh tự phụ của bóng đá Việt trở nên trầm kha. Căn bệnh ấy lan tỏa sâu rộng từ các quan chức cho đến các cầu thủ, khiến cho cả nền bóng đá mục ruỗng và nát bươm mà không hay biết. Ít ai biết rằng ngay từ những năm 2000, VFF đã họp hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam, là sẽ có mặt ở Ngày hội lớn nhất bóng đá thế giới vào năm 2014.

Thế mà đã 12 năm trôi qua, chiến lược vẫn chỉ là chiến lược. Đơn giản là bởi VFF chỉ giỏi nói, và ĐT Việt Nam không mạnh như người ta vẫn cho là như thế. Cụ thể, Liên đoàn vẫn đặt mục tiêu lọt vào chung kết AFF Cup 2012, trong bối cảnh chúng ta đang thụt lùi còn các đối thủ thì cứ âm thầm tiến bộ. Lúc này, ĐT Việt Nam chỉ là một tập hợp của những cầu thủ được nuôi dưỡng bởi đồng tiền, bởi những bản hợp đồng kếch xù ở CLB nhiều khi đã khiến họ đánh mất lý tưởng là phải cống hiến cho quốc gia trước khi nghĩ đến “tiền”. Công Vinh, ngôi sao sáng nhất của đội tuyển trong vài năm qua được truyền thông “chăm chút” từng li từng tí như một        Beckham của Việt Nam, để rồi hoàn toàn trượt dài khi được đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp đội tuyển thăng hoa như 4 năm về trước. Hình ảnh Công Vinh cúi gằm mặt rời sân Rajamangala cũng chính là hình ảnh đau đớn nhất, nhưng cũng thực tế nhất mà bóng đá Việt Nam phải đối mặt lúc này.

Hả hê nhất thời - bao giờ mới khá?

Sẽ thật là buồn cười nếu lúc này, người ta vẫn nghĩ rằng bóng đá Việt Nam có thể chạm tới mục tiêu World Cup trong vòng 10 năm nữa. Thậm chí, những kế hoạch như trong một thập kỷ tới, đội tuyển phải giành 2-3 chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games, đứng trong top 15 châu Á… cũng chỉ là mơ hồ nếu như VFF vẫn chìm trong cơn hoang tưởng. Những con số thống kê “ảo” trên BXH FIFA (Việt Nam thường xuất hiện ở tốp 3 Đông Nam Á và nhiều lần ở vị trí thứ nhất) trong khoảng 2 năm trở lại đây rõ ràng không phản ánh đúng thực lực của bóng đá Việt, mà chỉ giúp cho các quan chức Liên đoàn sung sướng và hả hê trong một thời gian nhất định mà thôi.

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh cho rằng thất bại vừa qua của bóng đá Việt Nam là đau, nhưng cần thiết để chấm dứt cơn mê sảng và xây dựng lại nền bóng đá. “Bóng đá Việt Nam nên đưa ra những mục tiêu gần gũi, cụ thể và thiết thực hơn là nghĩ đến tốp nọ tốp kia ở châu Á, và cả việc đặt chân tới VCK World Cup nữa. ĐT Việt Nam có thể có một vài trận đấu với kết quả khả quan trước những đội bóng hàng đầu khu vực như Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng còn kém xa về trình độ và một định hướng lâu dài. Tôi thì tôi nghĩ là chừng nào VFF thực sự quyết liệt trong từng việc làm cụ thể, thì chừng ấy, ĐT Việt Nam mới khá lên được. Chứ còn như bây giờ, giải trong nước thì rối ren, nhiều vụ tiêu cực, mua bán, móc nối nhìn ai cũng biết, lẽ ra phải điều tra đến nơi đến chốn rồi xử nặng để làm gương, thì ngậm bồ hòn làm ngọt và bỏ qua. Nhiều cầu thủ thì như những “ông vua con”, chơi bời trác táng và đặt đồng tiền lên trên tất cả… rồi cả nhiều ông chủ CLB hành xử như ngoài đường ngoài chợ, không lề lối, thiếu tôn trọng và tất nhiên không hề chuyên nghiệp, thì VFF sẽ còn vất vả nhiều để thoát ra khỏi cơn mộng mị này”, ông Vinh nói.