Chìm trong bạo động

ANTĐ - Quốc gia nửa Á nửa Âu Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong cuộc bạo động tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua để phản đối chính phủ và đòi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức. 

Biểu tình chống chính phủ biến thành bạo động trên quảng trường Taksim

Làn sóng biểu tình, bạo động ở Thổ Nhĩ Kỳ lại trỗi dậy khi hàng nghìn người biểu tình tiếp tục đổ về Quảng trường Taksim ở thành phố Istanbul lớn nhất nước. Trong khi đó, tại Thủ đô Ankara và nhiều thành phố khác, cũng tái diễn những đoàn người biểu tình mang theo nhiều cờ, biểu ngữ... và hô vang khẩu hiệu đòi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức. 

Nhằm tránh làn sóng biểu tình leo thang, ngày 5-6, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán các đám đông hàng nghìn người đang đổ về trước văn phòng thủ tướng tại cả 2 thành phố Istanbul và Ankara. Kênh truyền hình tư nhân NTV cho biết, 2 cảnh sát và 3 người biểu tình đã bị thương trong cuộc đụng độ mới nhất tại thành phố Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tình trạng tồi tệ hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bằng cuộc biểu tình ngày 31-5 vừa qua của người dân thành phố Istanbul để phản đối kế hoạch phá một công viên ở dọc quảng trường Taksim để xây dựng khu trung tâm thương mại. Thay vì đối thoại để giải quyết, chính quyền lại dùng vũ lực giải tán khiến ít nhất 100 người bị thương và 63 người bị bắt giữ. 

Hành động mạnh tay của lực lượng an ninh tại Istanbul đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình ở nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng biểu tình không chỉ lan rộng tới 67 tỉnh, thành của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn biến thành bạo động nghiêm trọng với việc người biểu tình tấn công trở lại lực lượng an ninh, đốt phá...

Tình trạng bạo loạn kéo dài và gia tăng đã đặt ra thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Erdogan kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2002, đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Trong khi đó, ông Erdogan được cho là đang muốn tham gia cuộc vận động tranh cử Tổng thống vào năm 2014.

Không những thế, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về làn sóng bạo lực tồi tệ nhất trong vài thập kỷ qua diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ làm ít nhất 2 người chết và hơn 4.000 người bị thương, cũng như chỉ trích về hành động trấn áp người biểu tình. Mỹ, Anh, Pháp hối thúc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, "xoa dịu tình hình" và chấm dứt bạo lực. 

Trong động thái nhằm "tháo ngòi nổ" bạo loạn, một tòa án ở  Istanbul đã ra phán quyết tạm ngừng xây dựng khu buôn bán cạnh quảng trường Taksim. Chính phủ cũng đã lên tiếng xin lỗi và kêu gọi chấm dứt các hoạt động biểu tình. Phó Thủ tướng Bulent Arinc tìm cách trấn an người biểu tình bằng tuyên bố "chính phủ đã rút ra bài học" và kêu gọi các công dân có trách nhiệm nhanh chóng chấm dứt hoạt động biểu tình. 

Song làn sóng biểu tình lại lập tức trỗi dậy khi Thủ tướng Erdogan khẳng định chính quyền sẽ tiếp tục xúc tiến dự án xây dựng khu buôn bán cạnh quảng trường Taksim. Tình hình Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm căng thẳng khi Liên hiệp công đoàn các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ (KESK) với 240.000 thành viên và Tổ chức công đoàn DISK có 420.000 thành viên cùng tuyên bố tiến hành bãi công và biểu tình để ủng hộ những người biểu tình trên toàn quốc.