Chiêu trò “thoát hiểm” của cô dâu khi bị ép sinh con nối dõi

ANTĐ -“Mẹ về nhé! Hai đứa ở lại mạnh giỏi, khi nào chuẩn bị kỹ càng rồi sinh con cũng được, không phải vội vàng!”.

Chị Hồng tất tả về tới nhà nhưng gọi mãi mà không thấy mẹ chồng ra mở cửa như mọi hôm, chị lo lắng lục tìm chìa khoá, vào được trong nhà thì gặp ngay mẩu giấy viết vội của bà để ngay ngắn trên bàn, những nét chữ to cộ như chữ trẻ con tập viết, mẹ chồng chị nhắn chỉ vỏn vẹn vài lời: “Mẹ về nhé! Hai đứa ở lại mạnh giỏi, khi nào chuẩn bị kỹ càng rồi sinh con cũng được, không phải vội vàng!”. Được lời như cởi tấm lòng, chị Hồng thở phào nhẹ nhõm, mắt lấp lánh vui mừng.

Gánh nặng “sinh con nối dõi”

Lấy chồng được ngót hai năm, và cũng trong chừng ấy thời gian, chị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) chưa một ngày được sống bình yên theo đúng nghĩa. Là một người phụ nữ có tư tưởng cấp tiến, lối sống hiện đại, ngay từ ngày mới kết hôn, cả hai vợ chồng đã thống nhất với nhau một quan điểm rằng chỉ sinh em bé khi nào đã chuẩn bị đầy đủ về cả tinh thần lẫn vật chất. Anh chị luôn mong muốn đảm bảo một tương lai tốt đẹp nhất cho con cái, bởi vậy mà chị Hồng luôn “kiêng khem”, kế hoạch rất khắt khe, cẩn thận.

Ngặt một nỗi, chồng chị, anh Tiến lại là con trai trưởng trong một gia đình còn nặng nề tư tưởng cũ. Mẹ chồng chị Hồng là người phụ nữ hết lòng vì chồng con, nhân hậu và cũng rất tốt với con dâu, chỉ duy có một điều khiến chị khổ sở, đó là bà quá sốt sắng trong việc “có cháu bế”. Ngay ngày đầu tiên, anh Tiến dẫn chị về ra mắt gia đình, chính thức công khai mối quan hệ giữa hai người, mẹ chồng đã vội vã lôi tuột anh con trai vào buồng, thủ thỉ nhỏ to: “Thời này vô sinh nhiều, cứ phải tậu trâu, tậu cả nghé cho chắc con ạ!”. Khi anh kể lại chuyện ấy cho chị nghe, chị cười phá lên, cho rằng mình có người mẹ chồng tương lai “tiến bộ hết ý”, nhưng khi đã cưới nhau rồi, chị mới biết những lời “thật như đùa” của mẹ chồng hóa ra lại hoàn toàn nghiêm túc.

Vì điều kiện công việc, anh chị tậu nhà riêng sống trên thành phố, cách quê tới gần trăm cây số. Vậy mà đều đặn mỗi tháng mẹ chồng chẳng quản đường sá xa xôi, lặn lội lên thăm vợ chồng con trưởng một lần. Mỗi lần tới chơi, bà đều nhìn chăm chăm vào cái bụng vẫn “thon thả hết sức” của chị Hồng rồi nôn nóng hỏi: “Hai đứa đã có gì chưa thế?”, và mỗi lần gặp cái lắc đầu nguầy nguậy của cô con dâu, bà lại thở dài thườn thượt, buồn ra mặt.

Ở quê, cứ nhìn những bà hàng xóm có cháu bồng cháu bế, mặt mày hớn hở vui mừng, khoe khoang khắp làng trên ngõ dưới, bà lại tủi thân vì mình có con trai lớn lấy vợ rồi mà vẫn chưa có cái phúc “lên ông bà nội”. Vậy là tuần nào bà cũng gọi điện để kiểm tra, nhưng cái tin vui mà bà mong chờ cứ mãi bặt vô âm tín. Đã gần một năm trời chị Hồng về làm dâu, bà chẳng chê con dâu ở điểm nào, chỉ có điều, cái sự “bình chân như vại” của chị làm bà lo lắng hết sức. Mỗi lần bà nói đến chuyện con cái, chị đều chối đây đẩy rồi nhanh chóng lảng sang chuyện khác, trong khi ấy, lúc nào bà cũng đau đáu một nỗi niềm “có cháu đích tôn”.

Bước sang năm thứ hai, mẹ chồng chị Hồng dường như đã hết kiên nhẫn, bà khăn gói dọn hẳn lên nhà anh chị sống để trực tiếp đốc thúc chuyện con cái của vợ chồng chị. Từ ngày có mẹ chồng tới ở cùng cuộc sống của vợ chồng chị thay đổi hẳn. Mẹ chồng nhận hết mọi công việc nội trợ, gia đình, từ dọn dẹp, giặt giũ tới nấu nướng, nhưng cứ hễ thấy anh chị về tới nhà là bà lại nhanh nhanh chóng chóng giục anh chị mau... đi ngủ, cứ như thể họ chẳng còn việc gì khác.

Mỗi khi anh chị vào phòng, bà đều lén nghe ngóng ngoài cửa xem có “động tĩnh” gì khả quan không rồi vờ ngồi xem ti vi để “canh” không cho anh chị làm việc gì ngoài “tắt đèn”. Nhiều hôm, cực chẳng đã, chị Hồng phải vờ đi ngủ, đợi đến khi mẹ chồng đã say giấc mới lén lút trở dậy, bật cái đèn bé tí như hạt đỗ để làm việc khuya. Thấy việc canh cửa không mấy có hiệu quả, mẹ chồng lại sốt sắng nghĩ ra một kế khác, bà chẳng ngại tốn kém, cắt hàng tá thuốc Nam thuốc Bắc bổ dương, ích khí, kích thích chuyện phòng the về sắc cho con trai, con dâu uống.

Ngày nào cũng vậy, phải tận mắt trông thấy hai con uống cạn bát thuốc bà mới yên lòng. Những thang thuốc ấy bổ thì có bổ, nhưng đã khiến vợ chồng chị Hồng nhiều phen khốn đốn. Dù chị Hồng đã không ít lần tâm sự với mẹ chồng về suy nghĩ, kế hoạch sinh con và điều kiện công việc, cuộc sống của vợ chồng mình để mong bà thông cảm song mẹ chồng vẫn khăng khăng: “Cứ đẻ, mẹ nuôi hết, không việc gì phải lo!”.

Mời mẹ chồng đi trải nghiệm “lên chức bà”


Không lay chuyển nổi những suy nghĩ cực đoan của mẹ chồng, chị Hồng lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Chị đem nỗi khổ tâm sự với cô bạn thân, nào ngờ vừa mới thổ lộ thì cô này đã “tuôn” ra một tràng, thậm chí còn sầu não hơn chị. Cô than thở đủ điều, và hết sức chia sẻ, cảm thông với chị Hồng bởi hơn ai hết, cô hiểu nỗi khổ của việc sinh con. Bằng chứng là quanh căn hộ cô ở, nhà nào cũng có dăm ba đứa trẻ sơ sinh, đêm ngày la lối om sòm, chỉ đứng ngoài nhìn vào thôi cũng đủ khiếp hãi.

Những lời than thở của cô bạn thân bỗng làm chị Hồng lóe lên một ý nghĩ, chị đề nghị... tạm thời đổi nhà cho bạn. Được sự đồng tình của chồng, chị Hồng vội vã thu xếp chuyển nhà đến khu chung cư của cô bạn, nơi mà như sự miêu tả của bạn thì “y hệt một cái nhà trẻ khổng lồ, lúc nào cũng ầm ĩ và vô trật tự”. Đúng như dự đoán của chị Hồng, vừa chuyển nhà được hôm trước, hôm sau, mẹ chồng chị đã đi làm quen khắp hàng xóm.

Được cái nơi chị ở toàn các gia đình có con nhỏ, mà nhà nào cũng có bà nội, bà ngoại lên chăm cháu, các bà hay chuyện, dễ làm thân với nhau. Mấy ngày đầu mẹ chồng chị còn xuýt xoa ghen tị với các bà hàng xóm vì có cháu bế bồng, nhà cửa rộn ràng, vui vẻ. Nhưng sau vài ngày bị “tra tấn” lỗ tai vì tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt cả đêm lẫn ngày, bà bắt đầu tỏ vẻ bối rối, mệt mỏi.

Vợ chồng chị Hồng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, ở nhà một mình buồn, mẹ chồng chị hay lang thang sang nhà hàng xóm, hôm thì bế cháu giúp nhà này, lúc lại chơi với trẻ con nhà khác. Lúc đầu bà vui vẻ, khuây khỏa lắm, nhưng cũng chỉ được vài bữa. Chăm trẻ con rồi mới biết đó là công việc không hề đơn giản, thậm chí còn vô cùng phức tạp, nặng nhọc và vất vả.

Nhìn các bà hàng xóm lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, vội vội vàng vàng, quần áo không lúc nào được sạch sẽ, thơm tho vì dính bột, sữa trẻ con, bà nào cũng cắp cháu đến lệch cả xương sườn, nghe trẻ con gào khóc đến lãng cả tai... sự sốt sắng có cháu bế của mẹ chồng chị Hồng ngày một giảm sút. Mỗi ngày, bà lại được các bà xóm tìm đến than thở hết chuyện gia đình lại tới nỗi khổ phải bế cháu, bà nào cũng một mực khẳng định rằng: “Mệt hơn ở nhà cày mấy mẫu ruộng”.

Những lời than vãn ấy đã khiến mẹ chồng chị Hồng phải suy nghĩ, và càng nghĩ, bà càng chẳng còn nhiều hào hứng, thiết tha với chuyện chăm sóc trẻ con. Thỉnh thoảng, bà hồi tưởng lại cái thời còn trẻ, nhớ đến lúc một mình bà phải chăm mấy đứa con, rồi lại đến lúc chúng đau ốm, bệnh tật phải trông nom, chạy chữa, bà lại thoáng rùng mình vì nỗi vất vả của việc làm mẹ.

Vậy là chỉ sau mấy tháng được tự mình trải nghiệm cảm giác “làm bà”, mẹ chồng chị Hồng đã thay đổi hẳn. Bà tuyệt nhiên không còn thắc thỏm chuyện “có cháu bế” với vợ chồng chị. Rồi một ngày, bà đột ngột bỏ về quê mà chẳng kịp từ biệt con trai, con dâu vì... hết chịu nổi cái cảnh ồn ào của những đứa trẻ. Mẹ chồng đi rồi, chị Hồng thở phào nhẹ nhõm, từ nay cuộc sống của chị lại yên bình và trở lại trật tự vốn có. Từ đó, mẹ chồng chị vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm cuộc sống của các con, nhưng bà chỉ dặn: “Cứ từ từ, khi nào đủ điều kiện thì hẵng sinh con!”.