Chiều sâu tăng trưởng

ANTĐ - Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm: GDP 9 tháng đầu năm 2011 ước  tăng 5,76% so với cùng kỳ năm 2010. Lạm phát đang giảm dần khi chỉ số giá tiêu dùng đã ở mức tăng thấp nhất (0,82%) kể từ đầu năm. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực nhưng chưa bền vững, vì sao? Theo từng tháng lạm phát có chiều hướng giảm là điều không bất ngờ, vì khi chuẩn bị Nghị quyết 11, đã có dự báo “đỉnh” lạm phát sẽ nằm trong tháng 8 và đến tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm rõ rệt.

Có thể dự báo lạm phát năm nay ở vào ngưỡng 19-20%. Theo ý kiến của ông Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kết quả đạt được vẫn còn mong manh. Một là, đây chỉ là tháng thứ 2 liên tiếp có mức tăng CPI dưới 1%, theo “quán tính” của lạm phát nhất là khi lạm phát cao thì xu hướng còn kéo dài. Hai là, việc chống lạm phát hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào các vấn đề nội tại. Khả năng xảy ra “cú sốc” từ bên ngoài cũng ít hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, giá xăng dầu và hàng hóa cơ bản có thể giảm 1-3 điểm phần trăm. Kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại, như vậy có thể áp lực từ bên ngoài sẽ đỡ hơn, nhưng bên trong còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn việc tăng lương luôn gắn với tâm lý lạm phát kỳ vọng.

Trong khi đó, 3 tháng cuối năm, áp lực từ sản xuất kinh doanh phục vụ cho nhu cầu xã hội cũng như đầu tư công đối với tín dụng rất lớn. Ba là, vẫn còn rập rình “vòng xoáy” đô la hóa, biến động giá vàng. Dự trữ ngoại hối mỏng, nhập siêu tuy giảm nhưng vẫn còn cao khoảng 6,84 tỷ USD. Để tiếp tục “kìm cương”, kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm và sang năm 2012, lần đầu tiên Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các chỉ tiêu kinh tế. Chỉ tiêu nào cũng có hai kịch bản để ủy ban xem xét, lựa chọn và quyết định.

Với mỗi kịch bản, Chính phủ đều thể hiện quan điểm của mình trên cơ sơ phân tích, giải trình thấu đáo. Có thể xem đây là một sự đột phá trong công tác hoạch định. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Quốc hội duyệt phương án nào thì Chính phủ “nghe” theo phương án đó. Tuy nhiên, ngay trong phiên họp góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa các ủy viên của Ủy ban và hai Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính đã diễn ra những tranh luận sôi nổi, không kém phần căng thẳng nhưng hết sức thẳng thắn.

Chẳng hạn: Chính phủ đưa ra hai kịch bản nhập siêu; đến năm 2015 nhập siêu bằng 12% và 10% kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ chọn con số 10%, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại chọn là 4% kim ngạch xuất khẩu. Sở dĩ Quốc hội muốn “ép” con số nhập siêu vì để nhằm mục tiêu đưa lạm phát xuống 5%. Hoặc như con số về bội chi, Ủy ban Tài chính ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều đề nghị phải đưa nguồn trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách Nhà nước. Tuy có hai kịch bản thấp và cao cho giai đoạn 2011-2015, song Chính phủ thống nhất chỉ có một kịch bản chung cho các mục tiêu về giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, nhấn mạnh vào chỉ tiêu tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xử lý môi trường, quán triệt quan điểm phải đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

Bước đột phá trong công tác hoạch định vĩ mô của Chính phủ còn thể hiện rõ nét khi bổ sung thêm 3 chỉ tiêu vào nhóm các chỉ tiêu quan trọng trong điều hành kinh tế. Đó là những chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng, thể hiện Chính phủ quyết tâm không để tăng trưởng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát bùng lên cao, tức là tăng trưởng có chiều sâu.