Chiều mai, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, gây mưa cực lớn khu vực Nam Trung bộ

ANTD.VN - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, khoảng chiều tối 30/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão ảnh hưởng tới khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, 13h chiều nay, 29/10, áp thấp nhiệt đới còn cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, khoảng chiều tối ngày 30/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão ảnh hưởng tới khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Chiều tối mai, 30/10, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão

Đến 13h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, đây là hình thế thời tiết rất đặc biệt, đặc trưng cho sự kết hợp của rất nhiều hình thế thời tiết với nhau.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão

Đầu tiên là việc hình thành áp thấp nhiệt đới ngay trên dải hội tụ nhiệt đới. Bên cạnh đó, là việc kết hợp với không khí lạnh tạo ra hình thế rất nguy hiểm gây mưa cho cả khu vực miền Trung do yếu tố địa hình.

Đặc điểm thứ ba, khu vực miền Trung đang vào mùa mưa bão nên thường xuyên xảy ra những đợt mưa lớn trong thời gian này của năm. Trong mùa mưa bão năm nay, áp thấp nhiệt đới này là cơn đầu tiên đổ về phía Nam Trung bộ.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài và mở rộng từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận. Đây là đợt mưa lớn, trên diện rộng từ miền Trung đến Tây Nguyên nên cần đề phòng lũ, ngập lụt.

Ngoài ra, cơn áp thấp nhiệt đới/ bão này sẽ kết hợp với nước dâng do triều cường nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Trung bộ. Thêm vào đó, ở Nam bộ cũng đang bị ảnh hưởng nước dâng do triều cường nên khu vực này, trong đó có TP.HCM, Cần Thơ phải lưu ý triều cường đợt này.

Từ ngày 30-31/10, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt).

Từ ngày 31/10 đến 2/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).

Chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới có nguy cơ mạnh lên thành bão, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành bão, với tính chất rất phức tạp, nguy hiểm do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh.

Từ thực tế trên, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão đồng thời chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

"Áp thấp nhiệt đới/bão sẽ gây mưa lớn đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chính vì vậy các khu vực trên cần phải hết sức chủ động trong công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Đặc biệt chú ý hệ thống hồ thuỷ điện, thuỷ lợi đảm bảo an toàn cho sản xuất và các hoạt động khác. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và cộng đồng trong việc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại"- ông Cường nhấn mạnh.