Chiêu "đà điểu rúc đầu vào cát"

ANTD.VN - Trung Quốc muốn dùng vai trò nước chủ nhà nhằm gạt vấn đề Biển Đông đang được cả thế giới quan tâm khỏi chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở nước này vào đầu tháng 9 tới.

Trung Quốc muốn né tránh vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 

Giới chức cấp cao Trung Quốc ngày 15-8 cho biết, nước này hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) mà Bắc Kinh đăng cai tổ chức vào đầu tháng tới sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các vấn đề tài chính khác hơn là những tranh chấp, như vụ tranh chấp ở Biển Đông. Đây được xem là thông điệp nhằm né tránh chủ đề gai góc với Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) trong 2 ngày 4 và 5-9 tới.

Sỡ dĩ giới chức cấp cao Trung Quốc phải sớm lên tiếng “định hướng” chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới do lo ngại lãnh đạo nhiều quốc gia thành viên sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị. Bởi thông tin từ các nhà ngoại giao cho thấy, trong các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ thẳng thắn đề cập tới những hành động gây lo lắng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Biển Đông thời gian qua được xem như là một “yếu huyệt” của Trung Quốc trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế. Điều này cũng dễ hiểu bởi những hành động ráo riết, hung hăng  của Trung Quốc gần đây như cưỡng chiếm các bãi cạn, bãi đá… rồi bồi đắp, xây dựng thành các đảo nổi nhân tạo nhằm thay đổi hiện trạng, tiến hành quân sự hóa Biển Đông đã khiến Bắc Kinh bị lên án, chỉ trích rất nhiều.

Phán quyết ngày 12-7 vừa qua của Tòa Trọng tài thường trực LHQ (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông càng khiến Bắc Kinh “mất mặt” và thất thế hơn trên trường quốc tế. Phán quyết của PCA đã đánh sụp hoàn toàn cơ sở pháp lý mà Trung Quốc xưa nay vẫn bám vào để đòi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông.

Lo ngại bị “ê mặt” nếu lãnh đạo nhiều quốc gia tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 mà Trung Quốc lần đầu tiên đăng cai tổ chức, giới chức Bắc Kinh muốn tìm cách “né” trước vấn đề với lý do G20 nên tập trung vào chủ đề tăng trưởng kinh tế thay vì các vấn đề khác như tranh chấp ở Biển Đông. Điều đó được thấy rõ qua việc Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu G20 là nơi hợp lý để thảo luận vấn đề Biển Đông hay không.

Tuy nhiên, Trung Quốc rất khó né tránh dù có thể viện cớ rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 là diễn đàn thảo luận về kinh tế nên không phù hợp để trao đổi về chủ đề an ninh như vấn đề Biển Đông.

Bởi Biển Đông hiện là tuyến vận tải biển huyết mạch không chỉ với khu vực mà cả thế giới khi có tới khoảng 45% lượng hàng hóa vận chuyển đường biển toàn cầu qua lại khu vực này, cùng với đó là nhiều đường tuyến đường bay thương mại xuyên lục địa, nên những hành động đe dọa an ninh và tự do hàng hải, hàng không của Trung Quốc gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới trao đổi thương mại, giao thương cũng như tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó có các thành viên chủ chốt của G20.

Con đà điểu khi hết đường trốn tránh đối thủ truy đuổi đã tìm cách rúc đầu vào cát, ngỡ rằng mình không nhìn thấy đối thủ thì đối thủ cũng không thấy mình dù cả thân hình đồ sộ lồ lộ ra. Trung Quốc dù tìm cách né tránh, song không thể ngăn lãnh đạo các nước G20 đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị Thượng đỉnh sắp tới.