Chiết khấu thấp, gian lận xăng dầu tăng

ANTĐ - Vấn đề chiết khấu hoa hồng và gian lận trong kinh doanh xăng dầu là đề tài “nóng” được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra bàn luận sáng 5-12. Cả doanh nghiệp đầu mối lớn nhất là Petrolimex và Bộ Công Thương đều cho rằng, mức chiết khấu 600 đồng/lít xăng dầu cho đại lý là quá thấp.

Người tiêu dùng cần nhất là giá hợp lý và chất lượng đảm bảo


Có nên phê phán doanh nghiệp?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2009-2010, khi giá xăng dầu thế giới lên rất cao, Chính phủ yêu cầu thực hiện Nghị quyết 11, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải đảm bảo 2 nhiệm vụ chính trị cùng lúc là: đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường và giữ bình ổn giá. “Lúc này chỉ có Petrolimex và PV Oil là thực hiện đúng chỉ thị mặc dù kinh doanh lỗ, đại lý ép tăng hoa hồng. Trong khi đó nhiều đại lý của đầu mối khác đóng cửa, thậm chí một số doanh nghiệp đầu mối còn hạn chế nhập khẩu, nhập không đúng hạn mức. Định mức chiết khấu 600 đồng/lít xăng dầu đã lạc hậu. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thống nhất sẽ sửa đổi nhưng chưa làm được. Vì vậy, không thể căn cứ vào đó để phê phán các doanh nghiệp xăng dầu. Muốn nói doanh nghiệp sai thì phải có cơ sở” - ông Hoàng nói.

Theo bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng giám đốc Petrolimex, nội dung nổi cộm trong buổi họp ngày 2-12 giữa Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các doanh nghiệp đầu mối, các đại lý xăng dầu là chiết khấu bán hàng cho đại lý quá thấp, nhiều đại lý không chịu đựng nổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gian lận xăng dầu, đại lý nhập nhèm giữa xăng A92 và xăng A83. Bà Huyền cho hay: “Cái khó của Petrolimex là đại lý ép tăng chiết khấu. Trong khi chúng tôi trích chiết khấu thấp nhất trong các doanh nghiệp đầu mối thì chúng tôi vẫn có chi phí kinh doanh xăng dầu vượt định mức 516 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay”. Đại diện Petrolimex cho rằng, nếu không tăng định mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý thì năm 2012, khi Petrolimex kinh doanh theo mô hình công ty cổ phần sẽ rất khó tổ chức kinh doanh.

“Giải thích rõ” về khoản chiết khấu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, thù lao 600 đồng/lít xăng dầu thấp nên gian lận xuất hiện nhiều. Theo ông Tú, 600 đồng/lít là con số dùng để tính toán giá cơ sở để bù lỗ cho doanh nghiệp và để sử dụng quỹ bình ổn giá khi cần thiết. Đây không phải là con số định mức bắt buộc doanh nghiệp phải chấp hành. “Thị trường xăng dầu chỉ có thể cạnh tranh bằng  chiết khấu hoa hồng, nhưng nếu cạnh tranh thế này, doanh nghiệp đầu mối lớn càng thua thiệt. Định mức này đã quá cũ, ra đời hàng chục năm nay và cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Vừa rồi chúng ta mới công bố định mức một đơn vị là Petrolimex, nếu công bố thêm nhiều doanh nghiệp sẽ biết ngay” - ông Tú nói.

Có thể nói nếu thực sự định mức chiết khấu hoa hồng trên là quá thấp thì giá xăng dầu khó có thể giảm ở thời điểm hiện tại, dù giá thế giới giảm.

Xăng A83 khó ra miền Bắc

Đó là khẳng định của bà Đàm Thị Huyền với lãnh đạo Bộ Công Thương trước tình trạng một số đại lý xăng dầu khu vực phía Nam bán xăng A92 không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, xăng A83 được doanh nghiệp duy nhất là Saigon Petro sản xuất nên lưu thông trên thị trường phía Nam và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là chủ yếu. “Nếu vận chuyển ra phía Bắc, khoảng cách xa, cước vận tải đắt mà chênh lệch so với xăng A92 ở mức 500 đồng/lít thì không có lãi” - Bà Huyền cho hay. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng khu vực phía Bắc không phải lo về chất lượng xăng dầu. Lãnh đạo Petrolimex cho rằng, việc kinh doanh xăng kém chất lượng có liên quan đến việc trích hoa hồng cho đại lý thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, hệ thống phân phối xăng dầu tổ chức theo quan hệ 1-1. Trong trường hợp đại lý lấy xăng dầu của đầu mối kém chất lượng thì đầu mối phải chịu trách nhiệm; Còn đại lý lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau thì đại lý có 2 vi phạm, thứ nhất là vi phạm Nghị định 84 về kinh doanh theo quan hệ 1-1. Thứ hai là vi phạm về chất lượng hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết quan điểm của Bộ Công Thương là kiên quyết xử lý các đại lý kinh doanh xăng dầu gian lận, bán hàng kém chất lượng. Thậm chí, có thể rút giấy phép kinh doanh của đại lý. Đồng thời, kiến nghị kiên quyết không cho tiếp tục sản xuất xăng A83 vì thị trường không còn nhu cầu.

“Con số chi tiết về mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu rất khó nói. Nhưng tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Vương Đình Huệ giải đáp thắc mắc của cử tri tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, mức chiết khấu 600 đồng/lít là quá cao. Nếu doanh nghiệp cho rằng đây là mức chiết khấu thấp, dẫn đến gian lận thì doanh nghiệp phải cương quyết xử lý đại lý vi phạm” - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.