Chiến tranh tài chính: Trào lưu mới hay đã lỗi thời?

ANTĐ - Trong thế kỷ mới, việc sử dụng chiến tranh kinh tế thay cho chiến tranh quân sự đã tăng đáng kể. Từ năm 2000, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Australia, Canada, Nhật Bản, Israel, Nga, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tại ít nhất 20 chương trình trừng phạt đối với nhiều quốc gia bao gồm Myanmar, Sudan, Syria. 
Chiến tranh tài chính: Trào lưu mới hay đã lỗi thời? ảnh 1

Tuy nhiên, không có một quốc gia nào sử dụng thành thạo vũ khí kinh tế hơn Mỹ, với đủ các kiểu trừng phạt, từ hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư, giao dịch tài chính, với tổng cộng hơn 110 lần trong thế kỷ 20, nhằm buộc các quốc gia khác thay đổi chính sách, chấm dứt các chương trình vũ khí, hay thậm chí lật đổ cả Chính phủ.

Bộ Tài chính Mỹ đã trở thành cơ quan an ninh quốc gia nổi bật nhất từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9. Họ tự gọi mình là “những người lính du kích trong bộ vest xám”, quản lý tới 37 chương trình trừng phạt nhắm vào các Chính phủ, cá nhân, nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm ở 20 quốc gia.

Phương pháp của Bộ Tài chính rất đa dạng, từ phong tỏa tài sản của các “ông trùm” ma túy Mexico, các đầu sỏ chính trị Nga, đến cấm vận thương mại đối với Iran hoặc Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU áp lên Iran từ năm 2010 đã gây áp lực lên các nước nhập khẩu dầu của Iran, nghiền ép hệ thống kinh tế của Iran, làm mất giá đồng nội tệ, tăng mạnh lạm phát và giúp ông Hassan Rouhani chiến thắng bầu cử Tổng thống năm 2013, với những lời hứa của ông này trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Trong vòng vài tháng, Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân và đưa ra những nhượng bộ mang tính lịch sử mặc dù rất giới hạn.

Mới đây nhất, phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga sau vụ nước này sáp nhập Crimea, đồng thời cáo buộc Nga hỗ trợ quân ly khai tại miền Đông Ukraine. Nhưng những cuộc tranh luận về loại trừng phạt nào có thể khiến Nga ngừng can thiệp vào Ukraine đã cho thấy sự phức tạp nếu muốn áp dụng thành công biện pháp này. 

Mối quan hệ thương mại của EU, trong đó có phụ thuộc vào khí đốt Nga, đã làm dấy lên mối lo cấm vận quy mô lớn có thể gây hại đối với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu. Lúc đầu, các lệnh trừng phạt chủ yếu nhắm vào các cá nhân, ngành công nghiệp và tổ chức tài chính, không bao gồm thực phẩm và hàng hóa nhân đạo.

Nhưng đến tháng 7-2014, Mỹ và EU tăng cường gấp đôi các lệnh trừng phạt với sự hạn chế tiếp cận của các công ty Nga đối với thị trường, tín dụng và công nghệ. Vào tháng 9-2014, các hình phạt kinh tế tiếp tục được thắt chặt với những hạn chế đối với các công ty tài chính, năng lượng và công nghiệp quốc phòng, đồng thời cấm các công ty Mỹ và EU trong việc hợp tác với các công ty Nga về việc khai thác dầu tại Bắc Cực.

Tháng 11-2014, khi Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo rằng Nga đã đưa xe tăng và quân đội tới miền đông Ukraine, các Bộ trưởng EU đã nhất trí việc đóng băng tài sản nhiều hơn và cấm đi lại đối với các cá nhân, nhưng không đưa ra các biện pháp trừng phạt sâu hơn. Tháng 12-2014, sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt và giá dầu giảm đã khiến đồng Ruble của Nga lâm vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chừng đó đã đủ để gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin? Những quốc gia dân chủ hoặc bán dân chủ thường quan tâm đến dư luận quốc tế và phụ thuộc vào thương mại và tài chính thế giới thì có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, nhưng các quốc gia khác (các nước quân chủ khép kín) thì không bị như vậy.

Điển hình như Lệnh cấm vận của Mỹ lên Triều Tiên áp đặt từ năm 1950 hầu như không thay đổi được chế độ cũng như chính sách nước này. Hay như mới đây nhất, tháng 12-2014, Mỹ thay đổi biện pháp với Cuba, sau nửa thập kỷ trừng phạt kinh tế. Khi thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với nước này, Tổng thống Mỹ - Barrack Obama cho biết nó sẽ chấm dứt “biện pháp vốn đã lỗi thời và thất bại trong việc đạt được những lợi ích mà chúng tôi mong muốn”.