Chiến sỹ Công an Hà Nội kể lại những thời khắc sinh tử khi cứu hộ tại vùng động đất Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những đứa trẻ lấm lem với đôi mắt ngơ ngác tìm người thân; một bà mẹ với ngón tay rớm máu vừa gào thét, vừa bất lực cào lên mảng bê tông đổ sập để tìm con; những cánh tay tuyệt vọng đưa ra cầu cứu… hình ảnh day dứt ấy sẽ đeo đẳng trong tâm trí những cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội tham gia cứu hộ tại Myanmar trong thảm họa động đất vừa qua.
Lực lượng cứu hộ của Công an Hà Nội giành giật sự sống cho các nạn nhân sau trận động đất của trên đất nước Myanmar

Lực lượng cứu hộ của Công an Hà Nội giành giật sự sống cho các nạn nhân sau trận động đất của trên đất nước Myanmar

Ám ảnh khôn nguôi

Chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi, cả 6 chiến sỹ vẫn trào dâng niềm tự hào lẫn xúc động. Tham gia cùng đoàn công tác Bộ Công an đến Myanmar lần này, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH của Công an Hà Nội gồm: Trung tá Nguyễn Đình Dương - Đội trưởng, Đại úy Lê Diên Anh, Thượng úy Dương Văn Linh, Đại úy Kiều Văn Dũng (Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ); Thượng úy Nguyễn Quốc Cường (Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2); Đại úy Bùi Minh Đức (cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 4). Đây đều là những chiến sĩ tinh nhuệ, bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ. “Ban chỉ huy đơn vị đã đề ra những tiêu chí cao nhất về nghiệp vụ để chọn cán bộ thực hiện sứ mệnh quốc tế tại Myanmar. Mệnh lệnh là nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân nước bạn, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho toàn đội, thực hiện đi đủ, về đủ” - Trung tá Nguyễn Đình Dương cho biết.

Nhớ những ngày ở hiện trường vụ động đất kinh hoàng cướp đi bao sinh mạng người dân Myanmar, Đại úy Lê Diên Anh bảo, đó là quãng thời gian không thể nào quên. “Vừa đặt chân đến Thủ đô Naypyitaw, chứng kiến cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân nơi đây, chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Tiếng khóc của trẻ thơ, của thân nhân các nạn nhân mất tích trong động đất ai oán khắp nơi. Bầu không khí tang thương bao trùm cả một vùng. Cũng chính vì thế mà chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình với mục tiêu cứu hộ nhanh nhất có thể. Ám ảnh nhất là phải chịu đựng mùi tử khí suốt 7 ngày trời. Chúng tôi phải bới từng đống đổ nát để tìm thi thể những người đã chết và cố gắng tìm những người còn sống. Làm công tác cứu hộ, cứu nạn đã hơn 10 năm, chứng kiến nhiều người tử vong trong thiên tai, thảm họa hay các vụ cháy, nổ, nhưng “trận chiến” tại Myanmar thực sự khủng khiếp” - Đại úy Lê Diên Anh tâm sự.

7 ngày thực hiện nhiệm vụ tại Myanmar là 7 ngày quân phục của những người lính cứu hộ nhuốm bụi, khói và mùi tử khí. Nằm sâu dưới những khối bê tông đổ nát là thi thể những nạn nhân bị mắc kẹt. Nhiều trường hợp do mắc kẹt quá lâu, quá sâu, phải mất rất nhiều thời gian để đào bới. Cứu hộ dưới thời tiết nắng nóng trên 40 độ C tại Myanmar hoàn toàn khác với cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ lạnh giá khiến các thi thể phân hủy chậm hơn thì điều này ngược lại ở Myanmar. Chiến đấu giữa một vùng hoang tàn, đổ nát và chết chóc như vậy, dù có thần kinh thép cũng khó có thể bám trụ được. Ấy vậy mà khoảnh các chiến sỹ cứu hộ, cứu nạn của Công an Hà Nội không hề nao núng mà luôn tập trung cao độ vào nhiệm vụ.

Những chiến sỹ Công an Thủ đô trên đất nước bạn Myanmar

Những chiến sỹ Công an Thủ đô trên đất nước bạn Myanmar

Sinh tử trong gang tấc

Trung tá Nguyễn Đình Dương kể lại: “Do tiếp xúc gần các nạn nhân nên dù có đeo 3 lớp khẩu trang vẫn không thể cản hết mùi tử khí. Để không bị ảnh hưởng chúng tôi phải liên tục thoa dầu gió lên mũi, đồng thời dùng Cloramin B pha với nước để sát khuẩn xịt vào người, quần áo. Mặc dù đây chỉ là cách tạm thời, nhưng lại phát huy hiệu quả để cán bộ, chiến sỹ tập trung làm nhiệm vụ. Thấy cách làm của chúng tôi hiệu quả, các đoàn cứu hộ khác cũng làm theo”.

Mỗi ngôi nhà đổ sập vùi lấp nạn nhân đều là một “bài toán” khó. Để có lời giải, đoàn cứu hộ Việt Nam phải lên từng phương án tác chiến. “Có những điểm cứu hộ mà nạn nhân nằm dưới đống đổ nát khổng lồ hơn 1 ngày mà vẫn chưa có phương án giải cứu khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Cuối cùng, phương án là phải đào hầm, mở hang dưới lòng đất, từ đó tiếp cận vị trí của các nạn nhân” - Đại úy Kiều Văn Dũng cho hay.

Hiện trường nguy hiểm nên không tránh khỏi có thời điểm cả đội suýt chạm mặt “tử thần”. Đó là khi cứu hộ 5 nhân viên mắc kẹt dưới đống đổ nát của một khách sạn cao tầng ở Thủ đô Naypyitaw thì cả bức tường lớn bất ngờ sập xuống. “Tôi đang phá bê tông để tiếp cận nạn nhân thì dư chấn xảy ra. Nhưng do quá tập trung vào nhiệm vụ nên tôi không kịp để ý. Đến lúc ngước lên nhìn thì thấy một đoàn cứu hộ khác đang chạy ra khỏi hiện trường nên chúng tôi cũng lao ra theo. May mắn là khi chúng tôi vừa thoát ra ngoài thì bức tường sập xuống” - Đại úy Kiều Văn Dũng kể.

Đại úy Kiều Văn Dũng cùng em bé người Myanmar

Đại úy Kiều Văn Dũng cùng em bé người Myanmar

Tình người trong hoạn nạn

Giờ nghỉ trưa là khoảng thời gian hiếm hoi các chiến sỹ Công an Hà Nội tiếp xúc với người dân Myanmar. Khi đó, tình người được lan tỏa khi tất cả cùng chia sẻ với họ những gói lương khô, ca nước hiếm hoi. “Chúng tôi chỉ cho phép mình được nghỉ 30 phút để ăn trưa. Khi chia sẻ lương khô, mỳ tôm cho người dân, chúng tôi khá bất ngờ khi họ ôm chầm lấy cả đội và khóc. Chúng tôi không biết tiếng Myanmar, sau đó phiên dịch viên thuật lại là họ khóc vì tưởng Công an Việt Nam đến phát lương thực cứu trợ rồi sẽ rời đi. Họ sợ bị bỏ rơi lại nơi thiên tai này. Vậy là chúng tôi lại thông qua phiên dịch để động viên họ, Việt Nam sẽ giúp đỡ và cùng Myanmar vượt qua đau thương, mất mát này” - Trung tá Nguyễn Đình Dương nhớ lại khoảnh khắc xúc động.

So với quá trình cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ thì nhiệm vụ tại Myanmar theo đánh giá của Trung tá đội trưởng Nguyễn Đình Dương là khó khăn hơn bởi dư chấn nhiều. Có những hiện trường khó đến mức nhiều đoàn cứu nạn của các nước khác đã đến, nhưng không thể cứu hộ thành công. “Thực sự đó là một nỗi đau bởi nó khiến người dân chờ đợi, hy vọng rồi… hẫng hụt. Cho nên chúng tôi thực hiện nhiệm vụ rất quyết liệt với tinh thần giúp người như giúp mình, coi người thân của họ cũng như người thân của mình” - Trung tá Nguyễn Đình Dương nói.

Chuyến công tác lần này không chỉ mang lại niềm tự hào cho mỗi cán bộ, chiến sỹ tham gia mà còn là một thao trường lớn để rút ra những kinh nghiệm thực chiến. “Những gì đã trải qua trong quá trình cứu hộ tại Myanmar chính là bài học lớn mà không trường lớp nào dạy được. Mỗi thực địa có một đặc điểm khác nhau, là một bài toán khó khác nhau. Vì vậy tùy hiện trường sẽ phải giải với phương án riêng và chúng tôi sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm cho anh em trong đơn vị” - Trung tá Nguyễn Đình Dương cho hay.

Ngay sau khi về nước, các chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ của Công an Hà Nội lại tiếp tục với những nhiệm vụ của đơn vị. Khi được hỏi tại sao có sức chiến đấu bền bỉ như vậy, các anh chia sẻ: “Giặc lửa” vẫn còn là nỗi lo âu, chúng tôi không được lơ là mà phải nhanh chóng bắt tay vào công tác. Từ lúc lên đường đến khi trở về, mỗi chúng tôi đều tự hào vì được gánh trên vai nhiệm vụ mà đất nước giao phó, được góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ người dân Myanmar vơi bớt đau thương, mất mát. Tuy nhiên, chúng tôi không để dư âm của niềm tự hào đó quá lâu mà phải tiếp tục với những nhiệm vụ mới” -Trung tá Nguyễn Đình Dương xúc động nói.