Chiến sự Libya - hàng trăm lao động Việt Nam về nước: Chồng chất nỗi lo nợ nần

ANTĐ - Chính trị bất ổn cùng chiến sự bùng nổ tại Libya đã khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam buộc phải rút công dân của mình về nước. Đến hết ngày 13-8, 907 lao động đã về nước an toàn. Thế nhưng niềm vui chưa kịp qua đi thì nỗi lo đã ập đến bởi chính những người lao động này đang phải đối mặt với các khoản nợ nần...

Anh Phòng, anh Tiến, anh Minh là 3 trong số gần 30 người của thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, 
huyện Mê Linh, Hà Nội mới từ Libya trở về

Ước mơ tan vỡ

Suốt 2 tháng nay, chị Lê Thị Thắm (thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội) rất chịu khó xem tivi. Lắm bận xem xong, chị bỏ cả cơm ngồi bần thần một mình. Ở cái quốc gia xa xôi tận châu Phi ấy có chồng chị - anh Nguyễn Văn Tiến đang làm công nhân xây dựng đã được gần 8 tháng. Khi cuộc nội chiến Libya nổ ra, mọi thông tin về chồng bỗng dưng gián đoạn, chị Thắm lo thắt ruột. Đến khi nhận được tin chồng sẽ có mặt trên chuyến bay đầu tiên trở về Việt Nam, chị mừng rơi nước mắt. Chị Thắm chỉ là một trong số gần 30 bà vợ của thôn Thái Lai có chồng, con đi xuất khẩu lao động tại Libya theo hợp đồng môi giới của Công ty Vinamex.

Hôm anh Tiến về đến nhà, chị thở phào bảo: “Thôi chẳng Tây, Tàu gì sất. Nghèo cũng được, ở nhà còn giữ được người. Chứ sang tận đó kiếm tiền, chưa biết được bao nhiêu nhưng nói dại miệng ngộ nhỡ tên bay, đạn lạc thì con mất cha, vợ mất chồng”. Tuy nói thế, nhưng mắt chị thoáng âu lo. Bây giờ nhà chị đang đối mặt với khoản nợ vài chục triệu đồng mà nếu chỉ trông vào 2 sào lúa thì chưa biết đến bao giờ mới trả nổi. Để có được hợp đồng với Vinamex sang Libya làm việc, anh Tiến đã phải nộp khoản tiền 43 triệu đồng. Trước khi đi, anh Tiến được Vinamex hứa hẹn mức lương 400 USD. Nhà nông làm gì ra số tiền đó, vậy nên anh cắn răng đi vay với lãi suất cao. Thế nhưng, sự thực không như anh tưởng, khoản lương đó anh phải nộp thuế 11%/ tháng theo quy định của nước sở tại. Sau 8 tháng quần quật xứ người, anh trở về với khoản nợ còn lại là 20 triệu đồng dù trước đó, được đồng lương nào anh đều gửi về  để vợ ở nhà chắt bóp trả đỡ. Anh Tiến bảo: “Thực ra tôi cố đi Libya cũng là mong có 1 khoản tiền trả nợ cho căn nhà xây dở cách đây 4 năm. Ai ngờ…”. Dù xây chỉ hết 100 triệu đồng, nhưng suốt từng ấy năm, căn nhà chưa hề được quét vôi, thậm chí cái toilet cũng chưa có. Bây giờ ngày nào anh Tiến cũng nằm vắt tay lên trán nghĩ về khoản nợ.

Anh Minh ngồi tính toán lại các khoản nợ của mình

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Đen đủi hơn anh Tiến là anh Nguyễn Văn Minh ở cùng thôn. Năm 2010 anh Minh cũng đã nộp 43 triệu đồng để ký hợp đồng với Vinamex đi Libya. Sang đến nơi được 6 tháng anh buộc phải về vì chiến sự bùng nổ khi chưa kịp hoàn vốn. Nợ chồng chất, anh Minh tính kế làm ăn để trả dần. Sau một thời gian khi chiến sự dịu đi, anh lại vay, lại tiếp tục đi Libya lần nữa. “Ai dè, số tôi quá vô duyên. Đi lần nào là chết đứng lần đó, thôi giữ được mạng về là may rồi” – anh Minh ngậm ngùi. 

Để đi được sang Libya chuyến đó, anh Minh phải cầm sổ đỏ để vay ngân hàng 20 triệu đồng. Phần còn lại anh phải đi vay “tín dụng” (tức vay của hiệu cầm đồ). Vì chỉ vay “tín dụng” có một nửa nên sau khi trả nợ bằng tiền lương, hiện anh còn nợ có 15 triệu đồng. Anh Minh bấm đốt ngón tay: “Anh em chúng tôi ai đi về cũng đều lỗ cả. Mức lương 400 USD/tháng chỉ là trên giấy tờ. Nếu trừ thuế và các chi phí sinh hoạt thường ngày chúng tôi chỉ còn lại khoảng 7 triệu đồng quy ra VNĐ. Với thu nhập ấy, chẳng thà chúng tôi ở nhà đi thợ hồ hay ra Hà Nội làm “xe ôm” còn hơn, vừa gần vợ con lại chẳng mang nợ và chịu nguy hiểm đến tính mạng như thế này. Tuy thế nhưng so với hàng loạt lao động từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An chúng tôi vẫn còn may chán. Nhiều người trong số họ mới sang được 2-3 tháng chưa kịp thu hồi vốn thì đã phải trở về”. Chỉ khổ cho chị Trần Thị Sơn, vợ anh Minh, bây giờ ngoài việc lo miếng ăn, tiền học cho 2 đứa con, chị còn phải lo trả món nợ cho chồng bởi người cho vay nghe tin anh Minh mới “đi Tây về” ngày nào cũng cho người đến thúc nợ.

Ngày về nước tất cả các lao động như anh Tiến, anh Minh mới được Công ty Vinamex hỗ trợ khoảng tiền 1 triệu đồng. Việt Nam có 1.750 lao động tại Libya, riêng số lao động của Công ty Vinamex là 720 người. Anh Tiến đề xuất, “Chúng tôi nộp 43 triệu đồng để ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Vinamex trong 2 năm, bây giờ phải về giữa chừng, tất cả đều mang nợ. Chỉ mong công ty chia đều số tiền ấy cho 24 tháng, trừ đi thời gian chúng tôi đã làm việc, còn bao nhiêu hoàn lại cho lao động thì cuộc sống của chúng tôi sẽ đỡ cực đi rất nhiều”.