Chiến lược tự lực, tự cường sản xuất vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, cùng với các biện pháp phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị, một trong những chủ trương căn bản, mang tính chiến lược để đưa cuộc sống trở lại bình thường là phải “tự lực, tự cường vaccine”. Đây là quan điểm xuyên suốt được Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo, theo dõi sát sao.
Nghiên cứu sản xuất vaccine Nanocovax phòng Covid-19 tại công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen

Nghiên cứu sản xuất vaccine Nanocovax phòng Covid-19 tại công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen

Chủ trương kịp thời, kiên quyết, rõ ràng

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ động chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Covid-19. “Chiến lược vaccine” mà Việt Nam đẩy mạnh triển khai bao gồm nhiều mũi “chủ công”. Trong đó, bên cạnh việc tích cực tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước với tinh thần “tự lực, tự cường về vaccine” được coi là giải pháp căn cơ lâu dài.

Việt Nam có yếu tố thuận lợi là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine. Năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công nhận có hệ thống quản lý chất lượng vaccine được trang bị đầy đủ, đồng nghĩa với việc vaccine được sản xuất tại Việt Nam bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, an toàn và hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch còn tiếp tục gia tăng, dù khống chế thành công dịch Covid-19 trong hơn một năm rưỡi qua nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ có thể mất đi lợi thế trong mở cửa nền kinh tế vì không có đủ vaccine Covid-19 tiêm cho người dân để đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Do đó, bên cạnh nỗ lực tìm các nguồn cung cấp vaccine từ bên ngoài, Việt Nam phải chủ động để sớm tự sản xuất được vaccine Covid-19.

Chính vì thế, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước. Ngày 6-8-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP với chỉ đạo rõ ràng: Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine, thuốc trong nước là giải pháp căn cơ và chiến lược; không chỉ là phòng chống dịch Covid-19 trước mắt mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam.

Nhờ sự chủ động và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, đến nay, Việt Nam đã có hai ứng viên vaccine nội địa đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang. Trong khi Covivac vừa hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người, thì Nanocovax đã hoàn thành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19. Đây là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA do Tập đoàn VinGroup nhận chuyển giao từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ. Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 để đi vào sản xuất tại nhà máy hiện đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 với Nga và Nhật Bản cũng đã được ký kết và đang triển khai.

Hành động quyết liệt để có vaccine nội địa sớm nhất

Theo tính toán, Việt Nam phải có 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, với các cam kết cho đến nay từ phía các nhà cung cấp, khả năng phải đến năm 2022 chúng ta mới có đủ vaccine. Chính vì vậy, làm sao đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất các vaccine nội địa đã trở thành vấn đề cấp bách.

Tại cuộc họp ngày 12-8 vừa rồi về nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống Covid-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian vừa qua “đã cố gắng rồi nhưng phải cố gắng hơn nữa, đã quyết tâm rồi nhưng phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi nhưng phải nỗ lực hơn nữa” vì mục tiêu chung là Việt Nam phải có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất có thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân và bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.

Để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân lên trên hết. Từ đó, chủ động và khẩn trương trong việc phối hợp để có thể rút gọn tối đa thủ tục hành chính liên quan đến quy trình thử nghiệm, cấp phép đối với vaccine nội địa.

Với các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhất là các thành viên của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá kết quả nghiên cứu đối với các vaccine thử nghiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt hành chính cho việc cấp phép nhanh chóng đối với vaccine sản xuất trong nước khi đã đáp ứng yêu cầu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch theo quy định của vaccine và tham khảo kinh nghiệm, tư vấn quốc tế.

Với các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và hồ sơ cần thiết theo quy định, gửi Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để được xem xét, xử lý trong thời gian nhanh nhất có thể.

Theo thông tin mới nhất, vaccine Nanocovax do Việt Nam sản xuất đã có những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Miễn dịch tạo ra sau tiêm vaccine có thể trung hòa được virus bao gồm cả chủng mới. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, ngoài các biến cố bất lợi nhẹ như sốt, cảm giác khó chịu, đau đầu nhẹ, đau tại chỗ tiêm thì không có biến cố nặng nào.

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a của vaccine Nanocovax gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét trước khi Bộ Y tế có quyết định cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vaccine Nanocovax.

Nếu Việt Nam sản xuất thành công vaccine Covid-19, vị trí của Việt Nam về an ninh vaccine sẽ rất cao, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Ngoài ra, nếu chúng ta có được vaccine nội địa, sẽ đảm bảo vấn đề an ninh vaccine, không phải phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài hiện cũng đang hết sức khan hiếm. Vaccine do Việt Nam chủ động sản xuất cũng sẽ căn cứ theo những chủng có thể gây nguy cơ cho Việt Nam để từ đó chọn lựa phù hợp nhất.